Đại úy Rosalie - Giá trị của sự thật thời chiến
Đại úy Rosalie - Giá trị của sự thật thời chiến
“Khi chiến tranh nổ ra, tổn thất đầu tiên luôn là sự thật” - đó là câu nói nổi tiếng của nhà soạn kịch Hy Lạp cổ đại Aeschylus. Khi ngoài kia chiến tranh còn đâu đó, thì vẫn sẽ có những đứa trẻ mất đi quyền biết sự thật của bản thân.
Đại úy Rosalie
(0 lượt)
Cuốn sách “Đại úy Rosalie” của tác giả người Pháp Timothée de Fombelle, nhà văn và nhà soạn kịch người Pháp, cái tên đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam với những cuốn sách như “Vango”, “Cuốn sách của Perle” hay “Toby Lolness” và minh họa bởi họa sĩ Isabelle Arsenault.

Lấy bối cảnh trong cuộc Thế chiến thứ nhất, Rosalie là cô gái nhỏ có người cha đang chiến đấu ngoài tiền tuyến, và kết nối duy nhất giữa cha với em và mẹ chính là những bức thư. Thi thoảng, mẹ lại đọc thư cho Rosalie, những dòng thơ đầy lạc quan và tươi sáng, nhưng sâu thẳm trong Rosalie, cô bé chả muốn nghe những điều ấy. Chiến tranh làm không khí ngôi làng Rosalie sống thật ảm đạm: những người đàn ông thì biến mất; những người phụ nữ phải tăng gia ở nhà máy; vì thiếu giáo viên nên em phải học ghép cùng những học sinh khóa trên,... Như tác giả L. M. Montgomery từng viết về thời chiến: “Đã có một khoảng thời gian, chờ đợi ở nhà, trong ấm áp và thoải mái là là điều vượt ngoài sức chịu đựng…”; khi quan hệ gia đình bị đứt gãy, khi không khí bình thản mà người lớn gượng ép duy trì ngày qua ngày ở hậu phương càng lúc càng ngột ngạt, Rosalie quyết định sẽ tự bản thân thực hiện một nhiệm vụ bí mật: tìm câu trả lời cho tất cả. 

Sự thật, thứ vốn dĩ đã mong manh với những đứa trẻ, càng bị cất giữ cật lực khỏi các em từ người lớn khi chiến tranh ập tới. “Đại úy Rosalie” là một truyện ngắn kể về nỗ lực đi tìm sự thật, nhưng cũng là một hành trình tự nhận thức về bản thân, cho người đọc thấy rằng giữa những vùng chiến sự, trẻ em không chỉ là những cá nhân dễ tổn thương, mà chính các em cũng là những tiếng nói cần phải được lắng nghe tới. 

“Đại úy Rosalie” không chỉ đem tới cho độc giả một góc nhìn khác về chiến tranh - một góc nhìn qua lăng kính trẻ thơ; mà trên tư cách một cuốn sách thiếu nhi, nó còn đem tới bài học cần thiết và ý nghĩa cho trẻ để các em tự biết kháng chương cho bản thân trước những sự vận động của xã hội.

Theo Crabit Books