Mình chưa từng quy y, nhưng từ bé đã mang một niềm tin sâu sắc vào đạo Phật và triết lý Phật giáo, dù gia đình không ai theo đạo. Vì vậy, khi đọc một cuốn sách “nhạy cảm” như thế này, mình mang theo “chiếc đèn pin” của Tứ Diệu Đế để soi chiếu, với một tâm thế khách quan và chánh niệm nhất có thể - dù biết rằng sự khách quan tuyệt đối là bất khả, bởi mình vẫn là người phàm, lớn lên trong một nền văn hóa Á Đông truyền thống.
Cuốn sách bàn về tập tính tình dục của tổ tiên loài người, dựa trên bằng chứng giải phẫu học, tâm lý học tiến hóa và các phương pháp “khảo cổ”. Tác giả kết luận: hôn nhân một vợ một chồng không phải là chuẩn mực sinh học gốc của “Homo sapiens” như xã hội hiện đại vẫn tung hô.
Con người có chung tổ tiên với tinh tinh và bonobo - giống như họ hàng gần, cùng ông bà tổ. Còn tinh tinh và bonobo là anh em ruột thực sự, chia sẻ tổ tiên gần hơn. Khi quan sát giải phẫu và tập tính của hai loài này - vốn sống bầy đàn - ta thấy những manh mối cho thấy tổ tiên ta từng sống và “yêu” rất khác hiện nay.
Điều đáng nói là: dù con người không được xem là “sống bầy đàn” như các loài linh trưởng khác, nhưng vẫn là một loài động vật xã hội - nơi sự sống sót phụ thuộc chặt chẽ vào cộng đồng. Bị tẩy chay khỏi nhóm đồng nghĩa với cái chết - nếu không chết ngay thì cũng chết dần trong cô độc, đau đớn và tuyệt vọng.
Trong những cộng đồng ấy, tình dục - theo quan sát của tác giả - không theo mô hình một vợ một chồng, mà theo kiểu “đấu giải” (tournament mating). Đặc điểm của loài này gồm:
- Con đực và con cái có kích thước tương đối tương đồng (vì không cần đánh nhau để giành bạn tình);
- Tinh hoàn con đực lớn so với kích thước cơ thể (hàm ý có cạnh tranh tinh trùng sau giao phối).
Con người mang những đặc điểm này: đàn ông không vượt trội phụ nữ về kích thước, nhưng có tinh hoàn lớn hơn các loài kết đôi đơn hôn như vượn tay dài, hay loài đa thê như khỉ đột.
Vậy nên, tổ tiên chúng ta có thể từng sống trong những cộng đồng "đa phối", nơi cả nam và nữ đều quan hệ với nhiều đối tượng. Tình dục không chỉ để sinh sản, mà còn để giữ hòa khí, giảm căng thẳng, củng cố liên kết và đặc biệt - bảo vệ con non khỏi bị giết hại (infanticide).
Tác giả hoài nghi giả thuyết rằng loài người hình thành tập quán kết đôi để cùng nuôi con vì cho rằng trẻ được cả cộng đồng chăm sóc. Tuy nhiên, mình thấy ở đây có điểm chưa hợp lý.
Việc con người đứng thẳng khiến xương chậu thay đổi, dẫn đến việc phải sinh con sớm hơn (non hơn các loài linh trưởng khác) - nếu không, đầu thai nhi sẽ quá lớn để lọt qua khung chậu. Do đó, con người cần một thời gian nuôi dưỡng dài và chuyên sâu - điều này thúc đẩy xu hướng kết đôi, ít nhất là trong giai đoạn nuôi con nhỏ. Khác với tinh tinh, nơi con đực không tham gia trực tiếp vào việc chăm con, người cha ở loài người lại có vai trò rõ rệt trong dinh dưỡng, an toàn, kỹ năng và cảm xúc của con non. Đây là điểm khiến loài người tách biệt hẳn khỏi các họ hàng tinh tinh của mình.
Mình đồng tình với quan điểm rằng cả hai giới - nam và nữ - đều có bản năng muốn tối đa hóa lợi ích di truyền. Đàn ông muốn truyền càng nhiều gen càng tốt. Phụ nữ không hề thụ động: họ chọn lọc, tính toán, thậm chí lừa dối nếu điều đó giúp gen của họ có cơ hội sống sót cao hơn.
Ngoại tình, phản bội, “cả thèm chóng chán” - không chỉ là bi kịch đạo đức, mà là dấu tích sinh học còn sót lại trong tâm lý con người hiện đại.
Và đó là nơi Tứ Diệu Đế soi sáng:
- Khổ đế: Nhận diện tham dục là một dạng khổ. Không phê phán, chỉ nhìn.
- Tập đế: Truy tìm nguồn gốc khổ, thấy được rằng tham dục là di sản tiến hóa - một “chiến lược sinh tồn” được viết vào gen tổ tiên.
- Diệt đế: Thấy được khả năng vắng mặt khổ đau ấy, khi ta có chánh niệm, không bị bản năng lôi kéo.
- Đạo đế: Con đường tu tập để thoát khổ - như Bát Chánh Đạo hay giữ Năm Giới - không vì ai ép buộc, mà vì bình an trong tâm trí chính mình.
Hiểu bản năng không đồng nghĩa với phục tùng, cũng không nên đàn áp. Đè nén dục vọng, nhất là bằng những biện pháp hà khắc - như kiểm soát trinh tiết, cắt xẻo âm vật, hay cưỡng ép hình mẫu đức hạnh lên phụ nữ - không chỉ phi nhân đạo, mà còn đi ngược lại hiểu biết sinh học cơ bản.
Tập tính tình dục là di sản sinh học - không thể “tẩy não” bằng đạo đức cưỡng chế. Càng chối bỏ, nó càng chảy ngầm. Càng kìm nén, nó càng nổi loạn dưới những hình thái nguy hiểm hơn.
“Con người có một món quà lớn: prefrontal cortex - vùng vỏ não trước trán - nơi giúp ta làm điều khó hơn, khi đó là điều đúng đắn nên làm” (Robert Sapolsky, Behave).
Vì vậy, giải pháp không phải là kiểm soát bản năng bằng bạo lực, mà là quan sát nó bằng chánh niệm. Ôm ấp nó như một phần sự thật, rồi chọn một hành xử không phản bội chính mình.
Mình không nói suông, vì chính mình cũng đang áp dụng Tứ Diệu Đế để quán chiếu và vượt qua cám dỗ. Mình đang yêu xa. Xa nhiều hơn gần. Và mình cũng là con người - bị thu hút bởi những người khác giới chững chạc, chỉn chu là điều dễ hiểu. Có lần mình gặp một anh khá đạo mạo ở bến xe buýt. Giày Nike, áo Lacoste, ba lô Mark Ryden, lịch thiệp với phụ nữ và tử tế với người cao tuổi. Mình rung rinh. Nhưng rồi thấy anh bóc lạc luộc ăn rồi vứt toẹt vỏ xuống đất - ngay dưới ghế chờ. Bao nhiêu cảm tình bay biến sạch.
Lúc đó, mình thấy vui. Không phải vì “giữ lòng chung thủy” với người yêu, mà vì mình không phản bội chính mình. Mình thấy hạnh phúc khi đủ định lực để quan sát cảm xúc, không phán xét, không trách móc, và để nó tự tan biến - như nắng lên thì sương tan.
Hành vi = Nature × Nurture
Giống như một hình chữ nhật cần cả chiều dài lẫn chiều rộng, hành vi con người là kết quả của cả bản năng (nature) và sự rèn luyện (nurture). Phủ nhận bản năng không khiến ta đạo đức hơn - chỉ khiến ta giằng xé trong bức bối và quẫn bách.
Mình tin: Công nhận sự thật sinh học không có nghĩa là phục tùng nó, mà là điểm khởi đầu cho một thực tập tỉnh thức - nơi ta quan sát những dòng năng lượng nghìn đời trong tâm trí, và chọn sống theo giá trị sâu xa mà mình tin.
Với mình, đó chính là phép màu của Tứ Diệu Đế - trong một cuộc đời rất thật, giữa thế giới nhiều cám dỗ.
- Theo: Anh Vũ via Omega Plus Books