[...]
Nghịch lý thay, vì là người thấu cảm, nên so với những người không nhạy cảm hoặc không có khả năng thấu cảm, chúng ta có mối liên hệ sâu sắc hơn với thế giới cao hơn thế giới bên kia, cõi vô hình mà tôi đã đến khi chết, nơi tất cả chúng ta đều kết nối với nhau ngoài giới hạn thời gian và không gian. Đồng thời, động lực để chúng ta tuân theo những chỉ dẫn từ thế giới đó cũng mạnh mẽ hơn. Và đó là sức mạnh của chúng ta.
Khi bạn đi theo tiếng gọi cao cả đó, cuộc sống của bạn sẽ diễn ra theo những cách kỳ diệu.
Nhưng khi bạn trao sức mạnh của mình cho thế giới bên ngoài, bạn sẽ mất kết nối với trực giác bên trong mình và cuộc sống của bạn bắt đầu rơi vào vòng xoáy hỗn loạn. Nỗi đau từ sự xung đột này – vừa có khả năng kết nối với mục đích cao cả hơn và bản thể cao hơn của mình vừa có khuynh hướng trao sức mạnh của bản thân cho những người xung quanh – có thể khiến chúng ta cố biến mình thành người hoàn toàn khác để được công nhân và tránh bị chỉ trích, nói chung là làm bất cứ điều gì để giảm bớt nỗi đau đó. Nhận thức và tiếng gọi cao cả bên trong chúng ta, cùng với áp lực phải thích nghi với thế giới năm giác quan, có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, khuynh hướng tự tử hoặc sử dụng chất kích thích như một cách để thoát khỏi nỗi đau nội tâm. Và ai là người cảm nhận nỗi đau này nhiều hơn cả? Đó chính là những người thấu cảm.
[...] Sự nhạy cảm của bạn có thể giúp bạn mở ra thế giới sáu giác quan của mình. Nó được kết nối với thế giới bên kia. Nếu ngăn chặn sự nhạy cảm của mình, bạn sẽ chặn luôn những gì đến từ thế giới bên kia. Bạn cần nhận thức được rằng bạn đang trao sức mạnh của mình cho thế giới bên ngoài, và bạn cần bắt đầu chuyển nó vào thế giới nội tâm hoặc bản thể cao hơn của bạn.
Hiện tại, tôi lúc nào cũng ý thức về việc quay vào bên trong và kết nối với chính mình. Lý do tôi chia sẻ những gì tôi biết với bạn là vì tôi muốn bạn cũng học được cách kết nối với cái tôi nội tâm của bạn. Đây là sự cứu rỗi dành cho bạn. Đây là sứ mệnh của bạn. Đây là cách để bạn thay đổi cuộc sống của mình và giúp ích cho đời. Đây là cách để bạn nhận thức đầy đủ về những món quà đã khiến bạn trở thành người biết quan tâm đến người khác, tử tế, sâu sắc và bao dung – những món quà kết nối bạn với thế giới vô hình.
Điều này khiến tôi nhớ đến câu trả lời của nhà điêu khắc nổi tiếng người Ý Michelangelo. Khi được hỏi làm sao ông có thể tạc một bức tượng thiên thần đẹp đẽ từ khối đá cẩm thạch thô ráp, ông đã trả lời: “Thiên thần luôn ở đó. Tôi chỉ đục đẽo khối đá cho đến khi anh ấy được giải thoát”. Vậy bạn hãy suy ngẫm thử xem: Sẽ ra sao nếu con người nhạy cảm bên trong bạn là thiên thần ẩn trong khối đá cẩm thạch đang cố gắng được giải thoát? Sẽ thế nào nếu giải pháp thật sự để kết nối với con người thần bí bên trong bạn là loại bỏ các lớp vỏ bọc – phần đá cẩm thạch – mà bạn đã làm cho dày lên theo thời gian và giải phóng bản thân? Có phải mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu chúng ta học cách tận dụng những món quà của thiên thần thay vì giấu chúng sâu trong khối đá?
Bài viết được trích lược từ cuốn Sức mạnh của người thấu cảm của tác giả Anita Moorjani do First News chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam.