Habermas và 3 trích dẫn khiến ta suy nghĩ lại về cách xã hội đang vận hành
Habermas và 3 trích dẫn khiến ta suy nghĩ lại về cách xã hội đang vận hành
Jürgen Habermas - Một trong những triết gia có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 từng đưa ra nhận định sâu sắc: “Xã hội hiện đại có thể duy trì hoạt động nhờ tiền tệ và quyền lực, nhưng sẽ không thể bền vững nếu đánh mất nền tảng giao tiếp và đồng thuận”.

Ba câu trích dẫn dưới đây từ bộ sách "Lý thuyết về hành động tương giao" "Triết học Habermas" không chỉ phản ánh tư tưởng sâu sắc của ông, mà còn chiếu rọi những vấn đề cấp bách trong thế giới mà chúng ta đang sinh sống.

 

Về quyền được lên tiếng trong xã hội dân chủ

 

"Mọi chủ thể có năng lực nói và hành động đều được phép tham gia vào diễn ngôn. Mọi người có quyền tra vấn, trình bày, thể hiện nhu cầu và không ai bị cưỡng chế trong quyền đó" - Triết học Habermas

Trong lý thuyết đạo đức diễn ngôn, Habermas vẽ ra một không gian giao tiếp lý tưởng - nơi mọi người được tham gia với địa vị bình đẳng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để đạt đến chân lý hoặc những quyết định mang tính hợp lý tập thể.

Thế nhưng thực tế cho thấy: nhiều tiếng nói đang bị loại bỏ khỏi không gian đối thoại công cộng. Các cuộc diễn ngôn ngày càng bị chi phối bởi thuật toán, quyền lực kinh tế, hoặc đơn giản là khả năng "thu hút sự chú ý". Sự công bằng trong việc phát ngôn vẫn chỉ là một lý tưởng xa vời.

 

Về mục tiêu thực sự của giao tiếp

 

"Hành động tương giao hướng đến sự đồng thuận, tức là đạt đến sự hiểu biết hoặc thỏa thuận chung" -  Lý thuyết về hành động tương giao

Theo Habermas, khi giao tiếp diễn ra trong điều kiện lý tưởng (không bị áp lực hay thao túng), con người có thể đạt đến đồng thuận dựa trên lý tính, chứ không phải đồng thuận vì lợi ích cá nhân hay áp lực xã hội.

Nghịch lý của thời đại: chúng ta giao tiếp nhiều hơn bao giờ hết, nhưng lại ngày càng ít lắng nghe thực sự. Sự đồng thuận đã trở thành công cụ của các chiến lược truyền thông, thay vì là kết quả tự nhiên của việc tìm hiểu và thấu hiểu lẫn nhau.

 

Về vai trò của triết học trong đời sống

 

"Triết học là ‘người diễn giải’, kết nối giữa chuyên gia và đời sống thường nhật. Triết gia với vai trò trí thức công cộng, có thể giữ vững cả hai thế giới" -  Triết học Habermas

Trong một thế giới ngày càng phân mảnh bởi dữ liệu, công nghệ và thông tin, triết học không đóng vai trò phán xét, mà là cầu nối - nối kết giữa tri thức chuyên môn và thực tiễn đời sống, giữa những gì phức tạp và những giá trị phổ quát mà mọi con người đều cần được tiếp cận.

Habermas không viết triết học để thuyết giáo, mà để mời gọi chúng ta cùng suy ngẫm, cùng đối thoại và cùng xây dựng một xã hội nhân văn hơn.

Bộ sách "Lý thuyết về hành động tương giao""Triết học Habermas" của Habermas không chỉ là tài liệu dành cho giới học thuật, mà còn là nguồn cảm hứng cho bất kỳ ai quan tâm đến vấn đề xã hội, truyền thông và khả năng thấu hiểu giữa con người với con người.

1/ Lý thuyết về hành động tương giao

Đây là magnum opus của Habermas - tác phẩm triết học đồ sộ và sâu sắc nhất, thường được coi như "tập đại thành" của các lý thuyết xã hội học hiện đại. Tác phẩm đặt nền móng cho lý thuyết xã hội hai bình diện:

  • Hệ thống: vận hành bằng quyền lực, tiền tệ, hành chính và chính trị.
  • Thế giới đời sống: không gian nơi diễn ra các tương tác xã hội, xây dựng niềm tin, duy trì văn hóa và giao tiếp mang tính đồng thuận.

Habermas cảnh báo về hiện tượng "thuộc địa hóa thế giới đời sống" - khi các cơ chế hệ thống xâm nhập vào những lĩnh vực giao tiếp tự nhiên của con người, khiến đời sống bị chi phối hoàn toàn bởi lý tính công cụ.

2/ Triết học Habermas - Tác giả Andrew Edgar

Đây là cuốn dẫn nhập toàn diện và có hệ thống, giúp người đọc tiếp cận tư tưởng Habermas một cách dễ hiểu mà không hề đơn giản hóa. Andrew Edgar trình bày toàn cảnh các mạch tư tưởng từ hành động tương giao, lý thuyết phê phán, đạo đức học diễn ngôn, cho đến dân chủ, pháp quyền và không gian công cộng.

Cuốn sách này như một bản đồ định hướng lý tưởng cho những ai muốn khám phá thế giới học thuật phức tạp mà đầy thú vị của Habermas.

 

 

Tags: