Tôi cầm quyển “Where Good Ideas Come From: The Natural History of Innovation” (7 mô hình khởi nguồn ý tưởng: Lịch sử tự nhiên của quá trình sáng tạo) của Steven Johnson với chút hoài nghi. Đã có rất nhiều sách viết về đổi mới - đổi mới là gì, công ty nào đổi mới nhất, cách đo lường đổi mới ra sao. Chủ đề này đôi lúc có vẻ giống một trào lưu nhất thời. Nhưng quyển sách của Johnson lại khá hay khi đưa ra những ví dụ cụ thể về cách tạo ra môi trường thúc đẩy ý tưởng tốt.
Đặc biệt với những người làm trong lĩnh vực kinh doanh hoặc giáo dục, đây là một quyển sách đáng đọc. Nó nói về các cấu trúc tổ chức có thể thúc đẩy ý tưởng - làm thế nào để nhiều người cùng suy nghĩ về những vấn đề tiên phong, làm sao để tạo ra môi trường nơi các kỹ năng và ảnh hưởng khác nhau có thể hội tụ, làm sao để cung cấp đủ nguồn lực mà không áp đặt kết luận sẵn có.
Một số sách về đổi mới thường xoay quanh ý tưởng rằng chỉ một nhóm nhỏ những cá nhân cực kỳ thông minh mới có được khoảnh khắc “Eureka”, từ đó tạo nên các bước đột phá làm thay đổi nền văn minh.
Nhưng Johnson lại phản bác quan điểm đó - điều mà tôi rất thích: “Chúng ta có xu hướng lý tưởng hóa các bước đột phá, tưởng tượng rằng những ý tưởng vĩ đại vượt lên khỏi hoàn cảnh... Nhưng thật ra, ý tưởng là sản phẩm của sự lắp ghép. Chúng ta tiếp nhận những ý tưởng đã thừa hưởng hoặc tình cờ bắt gặp, rồi lắp ráp chúng lại theo hình dạng mới.”
Ví dụ, quyết định thành lập Microsoft không phải là một tia sáng xuất thần. Nó được hình thành từ những tiến triển nhỏ lẻ trong ngành máy tính cá nhân mới nổi lúc đó, từ việc Paul Allen và tôi có cơ hội tiếp xúc với máy tính mainframe khi còn học phổ thông, và từ trực giác của chúng tôi về những gì máy tính có thể làm trong tương lai.
Johnson tập trung vào các yếu tố trong môi trường văn hóa có thể tạo ra bầu không khí đổi mới, và các mô hình lặp lại thường xuất hiện khi ý tưởng lớn được hình thành. Ông tin rằng môi trường đô thị và công nghệ là những “chất xúc tác” mạnh mẽ cho khám phá và phát minh, và mối liên kết giữa con người và ý tưởng chính là mảnh đất màu mỡ cho đổi mới.
Tác giả chỉ ra một số điều kiện hay “mô hình” giúp thúc đẩy đổi mới. Một trong số đó là khái niệm “khả năng liền kề” (adjacent possible) - lý thuyết do nhà khoa học người Mỹ Stuart Kauffman đề xuất. Đây là ý tưởng rằng những gì có thể làm được ngày hôm nay là kết quả từ sự kết hợp của các sự kiện và hoạt động đã xảy ra trước đó.
Ví dụ, vào những năm 1870, một bác sĩ người Pháp tên Stephane Tarnier nhìn thấy lồng ấp trứng tại Sở thú Paris và đã thuê chính người chăm sóc gia cầm tại đó để thiết kế lồng ấp cho trẻ sinh non tại bệnh viện của mình. Lúc đó, một số bệnh viện khác cũng có thiết bị giữ ấm cho trẻ sơ sinh, nhưng Tarnier là người đầu tiên nghiên cứu chứng minh rằng lồng ấp có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non, và từ đó nó được phổ biến rộng rãi ở Paris và các nơi khác.
Trước đó, vào đầu thế kỷ 19, một nhà phát minh người Anh tên Charles Babbage đã mày mò hai ý tưởng: Máy hiệu số (Difference Engine) để tính toán hàm đa thức, và Máy phân tích (Analytical Engine) - có thể xem là máy tính lập trình đầu tiên trên thế giới. Dù cả hai chưa được tạo ra lúc bấy giờ, nhưng những ý tưởng đằng sau Máy hiệu số nhanh chóng dẫn đến việc sản xuất hàng loạt máy tính cơ học. Tuy nhiên, Máy phân tích lại vượt quá “khả năng liền kề” của thời đó. Babbage cần đến một lượng lớn bánh răng và công tắc cơ học, khiến cỗ máy nếu xây dựng thật sự thì có thể sẽ vận hành quá chậm. Phải mất thêm 100 năm sau, các nhà nghiên cứu mới “tái khám phá” lại ý tưởng của ông và áp dụng được nó với công nghệ hiện đại như bóng đèn điện tử và sau đó là vi mạch tích hợp.
Một ví dụ hiện đại hơn mà Johnson đưa ra là YouTube. Nếu ra mắt sớm hơn 10 năm, YouTube có lẽ đã thất bại vì lúc đó đa số người dùng Internet vẫn còn dùng kết nối dial-up chậm chạp, không thể chia sẻ video được. Nhưng khi YouTube ra đời, Internet tốc độ cao đã phổ biến hơn rất nhiều.
Johnson cũng nói đến tầm quan trọng của “mạng lưới linh hoạt” (liquid networks) - những hệ thống đủ linh hoạt để ý tưởng kết nối và phát triển, nhưng cũng đủ cấu trúc để giữ và hỗ trợ chúng. Tôi khá quen thuộc với một ví dụ mà ông đưa ra: tòa nhà Building 99 tại trụ sở Microsoft, nơi đặt Microsoft Research. Để tối ưu hóa sự hợp tác và sáng tạo, Building 99 được thiết kế để các phòng dễ dàng thay đổi, phục vụ nhu cầu làm việc và họp linh hoạt. Nhiều bức tường trong tòa nhà được phủ bảng trắng để các nhà khoa học có thể tụ họp, phác thảo ý tưởng bất cứ lúc nào. Nghe thì không có gì ghê gớm, nhưng sự khác biệt giữa kiểu không gian mở này và văn phòng chia ngăn truyền thống thực sự rất lớn.
Mô hình thứ ba mà Johnson bàn đến là “linh cảm chậm” (the slow hunch). Nhà khoa học Joseph Priestley mất tới 20 năm mới đi đến kết luận rằng cây xanh tạo ra oxy. (Lúc còn nhỏ, ông từng có linh cảm này khi thấy nhện bị chết ngạt trong lọ thủy tinh.) Nhiều ý tưởng quan trọng trong thuyết tiến hóa của Charles Darwin đã được ghi chép trong sổ tay của ông hơn một năm trước khi ông thật sự nhận ra tầm quan trọng của chúng và công bố. Tôi đã thấy điều này nhiều lần tại Microsoft và ở quỹ: Mọi người bắt đầu từ một ý tưởng mơ hồ, và theo thời gian, nó dần trở nên rõ ràng hơn.
Yếu tố ngẫu nhiên (hay như Johnson gọi là “may mắn ngẫu nhiên”) cũng đóng vai trò trong nhiều bước đột phá khác. Ông đề cập đến những giấc mơ, những cuộc đi bộ thong dong, những buổi tắm lâu, hay khoảng thời gian dành để đọc nhiều loại sách và tài liệu có thể dẫn đến “va chạm ngẫu nhiên” giữa các ý tưởng. Ông nhắc đến “Think Week” - những đợt nghỉ ngắn mà tôi đã duy trì nhiều năm, nơi tôi đắm mình trong những sách và tài liệu được người khác gửi đến. Vài năm trước, chúng tôi đã mở rộng Think Week tại Microsoft cho 50 kỹ sư hàng đầu tham gia. Điều này thật sự đã tạo ra nhiều trao đổi thú vị và nguồn cảm hứng mà nếu không có, có thể đã không bao giờ xuất hiện.
Tôi không đủ chỗ để nói hết các mô hình khác mà Johnson trình bày, nhưng bạn có thể đọc thêm trong sách của ông, hoặc xem bài nói chuyện TED mà ông trình bày vào năm 2010.
Ai trong chúng ta rồi cũng có những ý tưởng tuyệt vời vào một lúc nào đó. Thách thức là làm sao biến nhiều hơn trong số đó thành hành động để góp phần giải quyết những vấn đề lớn nhất của thế giới. Những tác giả như Johnson nhắc chúng ta rằng: ý tưởng hay thường không xuất hiện từ hư không - chúng là kết quả của việc xây dựng trên nền tảng mà người khác đã tạo ra, dù là cá nhân hay tập thể - và cần một môi trường thuận lợi để phát triển.
- Trạm Đọc
- Theo Gates Notes