Lắng nghe sâu: 8 bước để làm mới bất kỳ cuộc trò chuyện nào
Lắng nghe sâu: 8 bước để làm mới bất kỳ cuộc trò chuyện nào
Câu chuyện cuộc đời chúng ta được dệt nên qua các mối quan hệ: với cha mẹ, anh chị em, con cái, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, và cả những người xa lạ. Những kết nối này chính là tài sản quý giá nhất mà ta sở hữu. Thông qua sự tương tác với người khác, ta định hình bản sắc của mình, ta là ai, thuộc về đâu, và tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời ngắn ngủi nhưng quý giá.

Thế nhưng, các mối quan hệ ngày càng trở nên rời rạc và tẻ nhạt; chúng ta thiếu vắng sự thấu hiểu và công nhận mà bản thân luôn khao khát.

Lý do là gì?

Chúng ta không còn dành thời gian và năng lượng cho chính sợi dây liên kết vô hình giữa con người với nhau: lắng nghe. Ta thường chỉ lắng nghe như một thủ tục giao tiếp hời hợt. Hầu hết thời gian, ta chỉ "giả vờ lắng nghe" trong chốc lát, trong khi đang nạp đạn cho khẩu súng từ ngữ để chuẩn bị phản pháo, nhanh chóng chen ngang để trình bày quan điểm, đưa ra giải pháp, hay lý lẽ của riêng mình và trong quá trình đó, ta phá vỡ mạch suy nghĩ và giết chết sự kết nối.

Ngay cả khi đã rèn luyện kỹ năng lắng nghe tốt hơn, nhiều người vẫn chỉ xem người nói như một nguồn thông tin cần khai thác, hoặc lắng nghe vì đó là điều “được mong đợi”. Kiểu lắng nghe này khiến ta bỏ lỡ những điều không thể diễn tả bằng lời, và có thể khiến người nói cảm thấy bị gạt sang một bên hoặc bị lợi dụng.

Lắng nghe sâu (Deep Listening) có sức biến đổi mạnh mẽ.

Khi bạn thực hành lắng nghe sâu, bạn công nhận tính người của người đối diện. Bạn trao cho họ sự tôn trọng và không gian cảm thông, nơi họ có thể thắp lên những tia sáng suy nghĩ mới mẻ. Bạn lắng nghe một cách cởi mở, với mong muốn thực sự hiểu họ và cả chính mình.

Thông qua một quá trình tương tác, người nói sẽ dần định hình lại tư duy, cảm thấy được lắng nghe, được nhìn nhận. Họ có thể chia sẻ một câu chuyện chân thật hơn, giúp bạn thấu hiểu sâu sắc hơn rất nhiều, kể cả khi hai người vẫn còn bất đồng.

Là một nhà báo từng đoạt giải thưởng của BBC suốt hơn 20 năm, tôi từng nghĩ mình là một người biết lắng nghe tuyệt vời. Lắng nghe là công việc của tôi mà — chú ý đến từng chi tiết, đặt câu hỏi sâu sắc, và kể lại câu chuyện của người khác. Nhưng khi tôi bắt đầu đào tạo để trở thành một huấn luyện viên điều hành (executive coach), tôi đã có một nhận thức khiến tôi choáng váng: trong phần lớn sự nghiệp của mình, tôi luôn là người "cầm lái" trong các cuộc trò chuyện, chỉ chờ cơ hội để đặt một câu hỏi thật thông minh hoặc chia sẻ một ý tưởng xuất sắc của riêng mình. Tôi đã không thực sự lắng nghe.

Chính từ trải nghiệm cá nhân này, kết hợp với quá trình nghiên cứu chuyên sâu về công trình của các nhà tâm lý học, chuyên gia và nhà thực hành khác, tôi đã phát triển phương pháp Thực hành Lắng nghe Sâu (Deep Listening)

Trong cuốn sách của mình, tôi trình bày 8 bước thực hành Lắng nghe Sâu như sau:

 

Bước 1: Tạo Không Gian

 

Hãy bắt đầu bằng cách tạo ra một không gian an toàn về mặt tâm lý cho người đối thoại. Bạn cũng có thể điều chỉnh môi trường vật lý để cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên hơn. Mục tiêu: người nói cảm thấy được trân trọng và được khơi gợi cảm hứng để khám phá những ý tưởng mới.

 

Bước 2: Lắng Nghe Chính Mình Trước

 

Bạn không thể mở lòng lắng nghe người khác nếu chưa thực sự lắng nghe chính mình. Thông qua sự tự phản tỉnh, bạn sẽ bắt đầu xây dựng mối quan hệ tích cực hơn với những “phần bóng tối” trong bản thân là những khía cạnh mà bạn từng chối bỏ để chúng không còn làm gián đoạn những khoảnh khắc quan trọng trong đời sống.

 

Bước 3: Hiện Diện

 

Đây là một khía cạnh tưởng chừng mơ hồ nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn trong Lắng nghe Sâu - sự hiện diện của bạn. Chính sự hiện diện làm cho việc lắng nghe thông thường trở nên sâu sắc. Có nhiều cách để rèn luyện khả năng hiện diện nhằm vượt qua các yếu tố gây xao nhãng bên trong và bên ngoài.

 

Bước 4: Hãy Tò Mò

 

Một yếu tố thiết yếu là năng lượng bạn lan tỏa đến người nói: sự tò mò, đồng cảm, ý thức được định kiến, và sự tôn trọng. Chấp nhận rằng bạn không biết trước điều gì đang diễn ra trong tâm trí người đối diện có thể là điều cực kỳ chuyển hóa.

 

Bước 5: Giữ Ánh Nhìn

 

Khám phá sức mạnh của một ánh nhìn ấm áp và ổn định cùng các tín hiệu phi ngôn ngữ khác để thể hiện rằng bạn đang thực sự lắng nghe. Khi đọc ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm gương mặt và giọng nói của người đối thoại, nghiên cứu chỉ ra rằng tông giọng là tín hiệu đáng tin cậy nhất để hiểu điều chưa được nói ra.

 

Bước 6: Giữ Sự Im Lặng

 

Có rất nhiều “hương vị” của sự im lặng và đó cũng là lý do khiến bạn có thể cảm thấy không thoải mái với nó. Làm thế nào bạn có thể sử dụng sự tĩnh lặng trọn vẹn này để giữ tâm vững vàng và thể hiện sự tôn trọng sâu sắc, trao cho người nói không gian để nghĩ, chiêm nghiệm và chia sẻ?

 

Bước 7: Phản Chiếu Lại

 

Học cách kết tinh những điều cốt lõi bạn đang nghe thấy có thể là thử thách lúc đầu, nhưng sẽ có những manh mối giúp bạn xác nhận hiểu đúng ý người nói, bao gồm cả điều được nói ra và ngụ ý phía sau, cũng như cảm xúc của họ.

 

Bước 8: Đi Sâu Hơn

 

Lắng nghe sâu có thể giúp soi sáng những điều vốn bị che khuất - những lớp ẩn bên trong câu chuyện của người nói, bao gồm cả những nhu cầu chưa được diễn đạt và việc cảm xúc của họ có đang hòa hợp hay bị giằng xé mâu thuẫn.

Thông qua Lắng nghe Sâu, bạn sẽ có công cụ để suy ngẫm về mục đích thực sự của các cuộc trò chuyện, và tưởng tượng xem mối quan hệ của bạn sẽ tuyệt vời ra sao nếu bạn lắng nghe người khác và cả chính mình một cách chân thành, sâu sắc. Khi bạn bắt đầu nghi ngờ những thói quen cũ và thử nghiệm những cách lắng nghe mới, bạn sẽ bắt đầu hiểu người khác một cách sâu sắc hơn, và họ cũng sẽ cởi mở hơn với bạn.

- Trạm Đọc

- Tham khảo: Big Think

 

Tags: