Ở thời đó, bạn có quyền làm bất cứ điều gì mình thích. Không có những nghề nghiệp cụ thể như thợ làm bánh, thợ xây, người chế tạo dụng cụ hay triết gia; bạn làm tất cả những việc đó. Nhưng ngày nay, cuộc sống như vậy gần như không tồn tại. Dù bạn có làm được nhiều việc đi chăng nữa, trong tuần làm luật sư, Chủ nhật làm họa sĩ; ban ngày làm chủ cửa hàng tạp hóa, buổi tối làm thợ mộc, cuối tuần đi câu cá thì có một sự thật khó chối cãi là con người chỉ xem trọng các chức danh liên quan đến công việc, nghề nghiệp và lĩnh vực chuyên môn.
Nếu có cơ hội, người thông minh sẽ phải lựa chọn một chức danh phù hợp từ danh sách nghề nghiệp tiêu chuẩn bao gồm bác sĩ, luật sư, giáo viên, nhà khoa học, tiểu thuyết gia, doanh nhân, v.v.. Mỗi nghề trong danh sách ít nhiều được xã hội kính trọng nhưng đôi khi không có ý nghĩa với những người thông minh. Dù có đòi hỏi tư duy hay không, việc phân định chức danh dựa trên nhu cầu xã hội giúp mọi người đều có công ăn việc làm. Tuy nhiên, những người thông minh khó hạnh phúc vì không tìm được công việc có ý nghĩa đối với họ.
Khái niệm của xã hội về công việc có ý nghĩa chưa chắc đã giống với khái niệm của cá nhân. Xã hội có thể đánh giá cao nghề y nhưng bạn lại không thấy nghề này có ý nghĩa với mình. Ngược lại, bạn có thể coi trọng nghề giáo hơn nhưng xã hội thì không mấy quan tâm đến giá trị và tầm quan trọng của công việc này. Xuyên suốt thời gian, ý nghĩa là một trải nghiệm tâm lý mang tính chủ quan. Nếu bạn không cảm thấy một công việc có ý nghĩa thì đơn giản là nó không đem lại ý nghĩa cho bạn.
Ngoài ra, còn có một vấn đề phức tạp khác. Con người không được lựa chọn trở thành luật sư, bác sĩ hay nhà khoa học nói chung mà phải chọn hướng đi chuyên môn hóa, chẳng hạn trở thành luật sư doanh nghiệp hoặc luật sư tranh tụng, bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ phẫu thuật não, nhà địa chất học hoặc nhà vật lý học. Việc phải làm công việc đặc thù khiến công việc ít ý nghĩa hơn. Nếu không đi làm việc vì miếng cơm manh áo thì nghề luật sẽ có ý nghĩa với bạn nhiều hơn. Thay vì học luật để bảo vệ doanh nghiệp, bạn sẽ có nhiều cơ hội để bảo vệ người nghèo hơn. Khoa học sẽ mang lại nhiều ý nghĩa hơn nếu bạn có cơ hội nhìn nhận các vấn để theo hướng tổng thể thay vì phải tập trung vào phân nhánh như đi nghiên cứu một loài sinh vật, một hạt nguyên tử hay một hình thái địa chất cụ thể. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức ngày nay sẽ buộc bạn phải làm các công việc theo hướng chuyên môn hóa.
Thời cổ đại, những người theo trường phái tư duy tổng quát, bao gồm nghiên cứu khoa học, triết học, nghệ thuật hay bất kỳ điều gì họ hứng thú, thường được đặt cho những chức danh như “triết gia tự nhiên”. Tuy nhiên, những chức danh ngày nay thường phải liên quan đến các lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn giáo sư đại học chuyên nghiên cứu các tác phẩm đầu đời của Melville, kỹ sư thiết kế cầu đường, luật sư chuyên về luật thuế, v.v.. Một khi đã trở thành chuyên gia, họ buộc phải gắn bó với chuyên môn ấy, trói buộc với trách nhiệm phải viết thêm một bài báo khoa học, nghiên cứu thêm một khúc quanh của dòng sông hay cập nhật thêm một thay đổi mới trong luật thuế.
Marilyn, nhà nghiên cứu sinh học, chia sẻ:
Martin, giáo sư triết học, mô tả tình cảnh của mình như sau:
Hai tháng qua, tôi dành thời gian bảo vệ bài báo khoa học viết về việc tán dương và đổ lỗi trong triết học đạo đức Kant trước ba nhà phê bình và họ đã săm soi bắt bẻ bài viết của tôi. Để có cơ hội xuất bản, nhiệm vụ của tôi là phải giải quyết tất cả những vấn đề họ đưa ra. Vấn đề không hẳn nằm ở việc tôi phải dành hết thời gian cho một nhiệm vụ ngớ ngẩn và buồn tẻ mà chính tôi đã tự trói chân mình khi phải thực hiện những phân tích nhỏ nhặt về mặt logic hoặc ngôn ngữ, rồi phải giả vờ như thể mình đang đóng góp một thứ gì đó lớn lao vào tri thức của nhân loại.
Tôi thấy mình hợp với môi trường học thuật và đôi lúc còn tham vọng có thể làm điều gì đó lớn lao hơn. Có lẽ tôi không nên đổ lỗi cho yếu tố môi trường mà nên nhìn lại chính mình. Nếu là triết gia Kant thì ông sẽ đánh giá cao hành động này vì có những điều rất khó thực hiện nhưng ta vẫn cố gắng để hoàn thành. Bạn thấy đấy, tôi có thể viết về Kant cả ngày...
Quay trở lại thì tôi không chắc vấn đề của mình là gì. Liệu đó có phải là do yếu tố môi trường hay do nhân sinh quan của mình không còn đúng nữa. Phải chăng do tôi không còn hứng thú với việc tư duy, hay do tôi không đủ xông pha, hay tôi đang ôm những việc quá sức. Liệu tôi có thể làm công việc này thêm hai mươi hay ba mươi năm nữa không? Thật sự tôi cảm thấy rất ngột ngạt.
Hiện nay các nghề nghiệp và công việc luôn đi kèm với vô số thách thức nhưng phần lớn công việc không có nhiều không gian cho tư duy. Dù là công việc trí óc nhưng càng làm nhiều thì con người lại càng thấy nhạt nhẽo. Có phải bạn từng nghĩ sứ mệnh của mình là khám phá ngành sinh học tiến hóa ở góc độ thú vị nào đó để rồi làm phong phú thêm thuyết chọn lọc tự nhiên không? Thực tế bạn đang làm gì mỗi ngày? Di chuyển các mẫu cấy từ môi trường kiểm thử này sang môi trường kiểm thử khác và tiến hành đo lường? Bạn có thấy công việc này có ý nghĩa không?
Phiêu bạt di truyền (genetic drift) là một trong những cơ chế tiến hóa thú vị và liên quan mật thiết đến sự tồn tại của con người. Nếu muốn hiểu thêm, bạn có thể thử nghiên cứu một nhóm người tương tự với thủy thủ đoàn tàu Bounty trên đảo Pitcairn để xem liệu nhóm bạn chọn có suy giảm tính đa dạng di truyền như mong đợi trong những tình huống như vậy hay không. Tuy nhiên, dù chủ để có quan trọng và hay ho đến mấy thì việc nghiên cứu một khía cạnh của hiện tượng này sẽ khiến bạn thấy chán nản đến mức ngáp ngắn ngáp dài.
Bạn có từng cảm thấy chán nản tương tự khi bước vào thị trường việc làm chưa? Có phải bạn luôn cố tránh những công việc không đòi hỏi nhiều tư duy? Có lẽ chỉ trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, khi thật sự cần một công việc để trang trải cuộc sống và hỗ trợ các dự án sáng tạo của bản thân, bạn mới chấp nhận làm những công việc như chạy bàn, sắp xếp giấy tờ, đứng dây chuyền sản xuất hay bán giày. Không phải nhóm người thông minh coi thường những công việc kia mà chỉ vì họ sợ một ngày của mình sẽ trôi qua vô nghĩa nếu trí óc không được hoạt động. Xác định việc mình không muốn làm thì dễ nhưng bạn có đủ sáng suốt để nhận ra điều mình mong muốn thực hiện?
Khi lớn lên, những người thông minh thường được định hướng cho một số ngành nghề nhất định. Có những người chỉ vì nhận được một chiếc kính hiển vi mà đã được mọi người khuyên là nên theo con đường làm khoa học, chưa cần biết họ có thấy nghiên cứu khoa học ý nghĩa hay không. Người ta có thể nghĩ ngay một người có tiềm năng trở thành nhà văn chỉ vì họ được điểm A bài tập viết truyện ngắn trên lớp trong khi niềm đam mê của họ lại là âm nhạc và nấu ăn. Như chúng ta đã đề cập, trí thông minh của bạn dễ bị xem nhẹ khi lớn lên. Trên tất cả, quy luật tự nhiên của cuộc đời và xã hội khiến con người buộc phải đưa ra lựa chọn nghề nghiệp dù công việc có thể kém thú vị và không ý nghĩa như mong đợi.
[...]
Những thách thức mà người thông minh phải đối mặt liên quan đến việc điều chỉnh bản thân cho phù hợp với chuẩn mực xã hội, trong đó có việc đi tìm một công việc có ý nghĩa, chật vật với những việc nhàm chán, lặp đi lặp lại, dành cả đời chỉ làm một công việc hay lựa chọn giữa thu nhập và đam mê có thể viết hẳn một cuốn sách. Nếu may mắn, bạn sẽ kiếm được công việc vừa có thu nhập cao vừa phù hợp với đam mê của mình. Nhưng khả năng cao là bạn sẽ thuộc về nhóm đa số những người thông minh cảm thấy chật vật với công việc.
- Trích dẫn từ cuốn sách “Tại sao người thông minh dễ tổn thương?” của tác giả Eric Maisel do Alpha Books ấn hành