Hãy đặt hai quan điểm sau đây lên bàn cân để nhìn ra thực tế vẫn diễn ra lâu nay. Donald Trump từng dõng dạc tuyên bố: “Tôi yêu những người ít học!” Trong khi đó, Joseph Stalin lại nói: “Khi bầu cử thì quyền lực của người dân không là gì so với quyền lực của người kiểm phiếu”. Bằng cách này hay cách khác, có nhiều người vẫn luôn ủng hộ cho những kẻ độc tài mà không nhận ra mình đang bị “dắt mũi”, tệ hơn là nghe theo răm rắp mặc dù biết mình bị lừa gạt. Về phía những người thông minh, sáng tạo, có đạo đức, họ chắc chắn sẽ bị vùi dập nếu nhìn thấu và đứng lên đấu tranh bằng mồ hôi xương máu và trí tuệ của mình.
Trên phương diện văn hóa, mâu thuẫn và căng thẳng giữa tầng lớp trí thức và dân thường vẫn là cuộc chiến chưa có hồi kết. Bởi lẽ, lòng đố kỵ vốn là bản năng của mỗi người và không ai muốn thua kém người khác. Do đó, chỉ cần gặp người trông có vẻ thành công, tài năng hay đặc biệt hơn là họ đã nảy sinh cảm giác thù ghét. Chẳng hạn, Donald Trump từng nói: “Đứng giữa Đại lộ số 5, tôi hoàn toàn có thể bắn ai đó mà vẫn không mất đi bất kỳ cử tri nào.” Vậy những người ủng hộ sẽ mong ông bắn ai? Đó chính là những người họ ghét bỏ. Là người có tư tưởng phát xít, Trump biết chắc việc bắn gục một người sẽ còn làm tỷ lệ cử tri ủng hộ ông tăng vọt.
Liệu các thể chế lớn có chống lại được cảm giác tự ti có vẻ đơn giản mà sâu sắc, kinh ngạc và đáng sợ này không? Có một điều tôi biết chắc là nhiều người thông minh, nhạy cảm và sáng tạo đang gặp phải trạng thái tâm lý đó cùng với vô số thách thức nghiêm trọng khác mà tôi sẽ đề cập ở phần sau của cuốn sách. Năm 1355, một cuộc bạo loạn giữa người dân và sinh viên đã diễn ra ở Oxford. Mâu thuẫn xuất phát từ việc một sinh viên phàn nàn về chất lượng rượu tại quán đã dẫn đến cảnh nhiều linh mục bị lột da đầu và hàng chục người thiệt mạng từ cả hai phía. Do đó, một xã hội tưởng chừng văn minh hoàn toàn có thể chứa đựng những mâu thuẫn sục sôi bên trong.
Hãy để tôi nói rõ: người thông minh hay sáng tạo không hoàn toàn đồng nghĩa với việc họ là người tốt. Bài tiểu luận sắc bén The Responsibility of Intellectuals (Trách nhiệm của giới trí thức) của Noam Chomsky viết trong thời kỳ cao điểm của cuộc chiến tranh Việt Nam và Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng phần lớn những người thông minh, cũng như phần lớn mọi người, đều sẵn sàng đánh đổi sự thật để lấy một chiếc ô tô thứ hai, đánh đổi đạo đức để lấy địa vị và đánh đổi sự tử tế để lấy tiện nghi và sự dễ chịu. Nếu một tên chỉ huy trại tập trung thông minh hơn những lính dưới quyền, hắn sẽ càng trở nên hung bạo hơn. Do đó, một người thông minh chưa chắc đã nhận thức đầy đủ về đạo đức. Nói đơn giản, việc họ phân biệt được cái thiện và cái ác là vô cùng quan trọng.
Những thách thức của nhóm người thông minh xuất phát từ chính bản thân họ. Chẳng hạn, một người bị đè nặng bởi một bộ não luôn suy nghĩ không ngừng và đe dọa bởi những phiền não mà ngày nay thường bị gán nhãn sai lệch là rối loạn lưỡng cực và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) mang tính thương mại. Các “cơn nghiện” như thèm ăn cứ dồn dập kéo đến khiến não bộ luôn cảm thấy sôi sục mà lãng quên đi khúc giao hưởng cuộc đời. Thực tế, điều họ thật sự cần lúc này là khoảng thời gian để tĩnh lặng, sống chậm lại và đi tìm lẽ sống. Đây là những điều không dễ đạt được. Những người thông minh còn phải bận tâm đến những câu hỏi không biết từ đâu kéo tới. Nếu không ai đọc thì tại sao tôi lại viết thêm một cuốn tiểu thuyết nữa? Nghiên cứu triết học để làm gì? Vật lý lý thuyết có ích gì cho cuộc sống? “Ca sĩ phòng tắm” thì có cửa nào để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp không? Bạn là ai mà nghĩ mình có tài? Bạn là ai mà nghĩ mình đặc biệt? Bạn kiếm được ít tiền thế thì làm sao có tiền gửi về cho gia đình? Sao bạn sáng nắng chiều mưa và có những thói quen kỳ cục thế? Bạn có nói ra ý tưởng thì đâu có ai nghe? Rốt cuộc là những câu hỏi này đến từ đâu? Chính là từ bộ não của họ mà ra.
Thêm vào đó, hoàn thành những công việc liên quan đến trí tuệ và sáng tạo thường đòi hỏi từ kỷ luật, cảm hứng, tâm huyết cho đến trí tuệ. Dưới góc độ vật lý, việc xây dựng và hình thành các ý tưởng cao siêu như lý thuyết dây và đa vũ trụ rất dễ dàng vì khó có người nào dám đứng lên bác bỏ. Tuy nhiên, việc tìm ra các ý tưởng có ý nghĩa thật sự đòi hỏi con người phải lao tâm khổ tứ. Lý thuyết dây nghe rất hay nhưng liệu nó có thể khiến bạn thỏa mãn với cuộc sống? Bạn có hài lòng với bản thân khi viết ra một cuốn sách theo khuôn mẫu hay không? Bạn có dám từ bỏ trường phái hội họa đã mang cho mình hào quang hiện tại để chuyển sang một trường phái khác mới mẻ hơn không?
(Chú thích: Lý thuyết dây (String Theory) là mô hình vật lý hiện đại cho rằng các hạt cơ bản không phải là điểm mà là những dây dao động nhỏ, giúp thống nhất cơ học lượng tử và thuyết tương đối rộng trong một khung lý thuyết duy nhất.)
Ngoài thị trường, công việc nghiên cứu hay dựng phim của bạn sẽ thuận lợi hơn nếu đóng góp lợi ích cho các công ty dược phẩm hay lựa chọn đi theo mô-típ siêu anh hùng như bao bộ phim bom tấn khác. Ở thái cực ngược lại, khán giả đã từng chỉ trích mạnh mẽ khi nhạc sĩ Tchaikovsky trình bày bản violin concerto mang nét sáng tạo riêng trên sân khấu. Khác với hiện nay, trước kia những bức tranh của danh họa lỗi lạc van Gogh rất ít được để mắt tới. Khi đó, số phận của những người thông minh sẽ ra sao nếu bị xã hội gây khó dễ hay thậm chí là vùi dập đến mức không còn dám bộc lộ mình nữa?
Như tôi để cập ngay từ đầu, những mâu thuẫn vẫn luôn diễn ra ở mọi ngóc ngách xã hội. Thời xa xưa, những người ngoại tình sẽ bị ném đá tới chết, hay có quan niệm cho rằng Chúa ghét bỏ những người không đội mũ hoặc khăn che. Ngày nay, nếu không tuân theo quy chuẩn xã hội thì xã hội sẽ đối xử bất công với những người thông minh. Chỉ vì muốn đấu tranh để thể hiện quan điểm của bản thân mà họ thường xảy ra mâu thuẫn với cha mẹ, thầy cô và bạn bè.
Vì vậy, tôi viết cuốn sách này nhằm hai mục tiêu: thứ nhất, giải thích căn nguyên của những khó khăn mà người thông minh gặp phải và thứ hai, nhắc nhở những người thông minh, sáng tạo, nhạy cảm về sứ mệnh của mình, ngay cả khi họ đang gặp phải những vấn để cá nhân. Chẳng hạn, khi bạn dùng trí tuệ và khả năng sáng tạo để viết một cuốn tiểu thuyết nhưng bạn lại không hài lòng với nó hay cuốn sách quá khó bán thì bạn chắc chắn sẽ cảm thấy buồn. Nhưng bạn đừng vì thế mà cảm thấy chán nản. Đừng để nỗi buồn khiến bạn sa lầy mà quên mất sứ mệnh lớn lao của mình. Hãy dũng cảm đứng lên giải quyết khó khăn và tiếp tục cống hiến cho cộng đồng.
Tuy đối mặt với nhiều thách thức nhưng những người thông minh lại ở những vị trí đặc quyền hơn những người khác trong xã hội. Họ có thể là luật sư uy tín, kỹ sư phần mềm xuất sắc, bác sĩ phẫu thuật lành nghề, doanh nhân ưu tú hay họ ở những vị trí có thu nhập tốt dựa vào địa vị, đặc quyền, mối quan hệ và thời thể. Do đó, nếu nói người thông minh thường phải chật vật với cuộc sống thì không đúng vì chính họ cũng không cảm thấy vậy. Tuy nhiên, trèo cao rất dễ ngã đau. Học giả Chomsky đã từng cảnh báo như sau:
Chắc chắn rằng những người thông minh, nhạy cảm và sáng tạo sẽ phải gánh chịu những tổn thương có thể đoán trước. Tôi mong cuốn sách sẽ giúp bạn nhận ra và bao quát được những thách thức mà mình phải đối mặt.
Những giải pháp tôi đưa ra có thể không triệt để nhưng biết đâu bạn sẽ cần tới. Dù sao thì có còn hơn không. Cuối cùng, tôi muốn bạn khắc ghi: chỉ bạn mới có thể cứu chính mình. Tuy nhiên, đừng quên có những người đồng cảnh ngộ với bạn.
- Trích lời giới thiệu cuốn sách “Tại sao người thông minh dễ tổn thương?” của tác giả Eric Maisel