Tăng cường trí nhớ ngắn hạn với những mẹo dựa trên tâm lý học
Tăng cường trí nhớ ngắn hạn với những mẹo dựa trên tâm lý học
Một trong những điều tuyệt vời nhất khi học tâm lý học là bạn có thể tìm thấy những nghiên cứu có thể áp dụng ngay vào cuộc sống thực. Tôi rất thích khám phá những cách để sống hạnh phúc hơn hoặc làm việc hiệu quả hơn dựa trên các khái niệm mà mình đang học – đó là một cách tuyệt vời để cảm nhận lợi ích tức thì từ tri thức và thấy được tâm lý học giúp cải thiện cuộc sống thế nào.

Một lĩnh vực mà tôi thường xuyên cần cải thiện là trí nhớ ngắn hạn và kỹ năng tổ chức công việc. Trong một ngày làm việc điển hình, tôi thường xuyên phải gọi điện liên tục, trả lời email và xử lý đủ loại đầu việc. Tôi cần chuyển đổi nhanh giữa các nhiệm vụ, tìm tài liệu hoặc ghi chú thật lẹ, và tiết kiệm từng giây mỗi khi chuyển từ cuộc họp này sang cuộc họp khác. Chỉ cần rút ngắn vài giây cũng có thể tạo nên sự khác biệt – nhất là khi tôi cần thể hiện sự chuyên nghiệp và đúng giờ.

May mắn thay, tâm lý học nhận thức cung cấp cho chúng ta nhiều cách thực tiễn để tăng cường trí nhớ tạm thời, giúp làm việc hiệu quả hơn trong khoảnh khắc. Dưới đây là 3 mẹo đơn giản mà hiệu quả, được rút ra từ các nguyên lý tâm lý học, để bạn có thể kéo dài trí nhớ ngắn hạn của mình đúng lúc cần thiết.

1/ Tạo hình ảnh trực quan

Ví dụ: nếu bạn cần nhớ điều gì đó, hãy viết nó lên một tờ giấy màu sặc sỡ bằng nét chữ to và đậm. Khi đó, bạn không chỉ lưu giữ thông tin dưới dạng khái niệm mà còn ghi nhớ nó như một hình ảnh. Việc thêm yếu tố thị giác giúp tăng khả năng ghi nhớ - nguyên tắc này cũng giống với phương pháp loci hoặc các mẹo ghi nhớ khác bằng cách liên kết thông tin với các dấu hiệu cụ thể.

2/ Nhóm thông tin thành cụm lớn hơn

Nguyên tắc phổ biến cho rằng bộ nhớ ngắn hạn có thể giữ khoảng 7 ± 2 mẩu thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta có thể nhớ nhiều hơn nhờ kỹ thuật “chunking” - chia nhóm thông tin.

Ví dụ, số điện thoại thường có 10 chữ số, nhưng chúng ta vẫn nhớ dễ dàng nhờ việc tách chúng thành cụm (ví dụ: 617-555-1234). Khi đã quen với mã vùng, bạn không cần ghi nhớ từng con số đơn lẻ nữa mà nhớ chúng như một đơn vị hoàn chỉnh.

Bạn cũng có thể áp dụng kỹ thuật này cho các danh sách cần làm hay danh sách đi chợ. Thay vì nhớ từng món, hãy nhóm thành “đồ ở quầy thịt nguội” hay “nguyên liệu làm bánh yêu thích”. Cá nhân tôi thường nhóm các đầu việc trong công việc thành các loại như “liên quan đến khách hàng A”, “việc cần hoàn thành hôm nay”, v.v.

Tôi cũng thuộc lòng số điện thoại tổng đài chính để tiết kiệm thời gian, như vậy, bộ nhớ ngắn hạn của tôi chỉ phải xử lý mã truy cập của từng cuộc họp thay vì cả dãy số dài ngoằng.

3/ Nói to ra

Đây là mẹo yêu thích của tôi. Bộ nhớ âm thanh (hay còn gọi là echoic memory) có tuổi thọ dài hơn bộ nhớ thị giác hoặc khái niệm. Hãy tưởng tượng bạn vừa nghe ai đó nói điều gì, và bạn cần một khoảnh khắc để hiểu. Trong thời gian đó, bộ nhớ âm thanh đang giữ lại thông tin cho bạn xử lý.

Bạn có thể tận dụng điều này để tăng hiệu quả trong các nhiệm vụ ngắn hạn. Phải quay số điện thoại mà không có giấy ghi chú? Hãy đọc to dãy số một lần trước khi bắt đầu bấm. Bạn sẽ thấy mình nhớ được nhiều số hơn so với việc chỉ cố giữ chúng trong đầu.

Mẹo này cũng cực kỳ hữu ích khi bạn gặp người mới: lặp lại tên họ một lần sau khi nghe giúp bạn mã hóa thông tin tốt hơn và giữ cái tên đó trong trí nhớ thêm chút nữa, tránh tình trạng “biết mặt mà quên tên”.

Tóm lại, bạn không cần siêu năng lực để cải thiện trí nhớ ngắn hạn,  chỉ cần áp dụng một chút tâm lý học vào đúng lúc, bạn đã có thể làm việc nhanh hơn, thông minh hơn, và chuyên nghiệp hơn rồi!

- Trạm Đọc

- Tham khảo: Amy Bucher, Ph.D.

 

Tags: