Schopenhauer và Nietzsche: Ý nghĩa của nỗi khổ đau
Schopenhauer và Nietzsche: Ý nghĩa của nỗi khổ đau
Câu trả lời phụ thuộc vào cách ta phản ứng trước bi kịch
Chúng ta đều biết rằng cuộc sống nào cũng chứa đựng không ít khổ đau. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách chúng ta đối mặt với nó. Schopenhauer cho rằng ta nên giới hạn ham muốn và chấp nhận buông bỏ cuộc đời. Ngược lại, Nietzsche khuyến khích một phản ứng mang tính nghệ thuật trước bi kịch của cuộc sống, và đón nhận cả nỗi đau mà nó mang lại. Theo Joshua Foa Dienstag, có lẽ cách phản ứng tốt nhất lại chính là cười.

E.M. Cioran từng viết: “Nếu trên đời này thật sự có những người hạnh phúc, tại sao họ không bước ra và reo lên vì sung sướng, công khai niềm hạnh phúc của mình trên phố? Tại sao lại phải kín đáo và kiềm chế đến thế?”

Có người sống dễ dàng và sung túc hơn người khác, nhưng cuộc sống của ai cũng có khổ đau, thậm chí là rất nhiều. Hàng thế kỷ tiến bộ về công nghệ tuy đã giúp giảm bớt một số nỗi khổ cực đoan, nhưng nhìn chung vẫn không khiến con người hạnh phúc hơn - điều này đã được nhiều nghiên cứu xác nhận. Vậy điều gì khiến nỗi khổ vẫn dai dẳng? Và chúng ta nên có thái độ như thế nào trước nó?

Một câu trả lời đầy sức nặng cho câu hỏi này đến từ Arthur Schopenhauer, triết gia người Đức sinh năm 1788. Tác phẩm gồm những bài luận bi quan của ông, “Parerga and Paralipomena” (“Phụ lục và Bỏ sót”), đã trở nên cực kỳ nổi tiếng sau khi được xuất bản vào năm 1851. Ông từng viết nổi tiếng rằng: “Cuộc sống là một thương vụ không đủ để bù chi phí.” Theo ông, ham muốn của con người luôn vượt xa khả năng đáp ứng của thế giới, khiến mỗi người rơi vào trạng thái thiếu hụt triền miên.

Sau đó một thế hệ, Friedrich Nietzsche - người từng xem mình là môn đệ của Schopenhauer - đã đưa ra một lời phản bác mạnh mẽ. Dù thừa nhận rằng đau khổ là điều không thể tránh khỏi, Nietzsche vẫn cho rằng Schopenhauer đã không đối diện một cách thỏa đáng với thử thách mà nỗi đau đặt ra. 

Nietzsche cho rằng nhà triết học đi trước đã thiếu dũng khí. Theo ông, thay vì tính toán khoái lạc và khổ đau như một kế toán, ta nên xem sự đối đầu với đau khổ là chìa khóa để có một thái độ khác với cuộc sống: “một cây búa, một công cụ để ta tự rèn nên đôi cánh mới cho chính mình”.

Cuộc đối đầu giữa hai cách nhìn này mang lại nhiều điều đáng suy ngẫm về cách ta hiểu nỗi đau và cuộc sống nói chung. 

 

Liệu mục tiêu của cuộc đời là tạo ra nhiều niềm khoái lạc hơn so với khổ đau? Hay còn có một cách đo lường khác cho những trải nghiệm của chúng ta, ít mang tính cơ học hơn?

 

 

Schopenhauer viết vào thời điểm những bản dịch đầu tiên của kinh Phật bắt đầu được dịch sang các ngôn ngữ phương Tây, và theo một nghĩa nào đó, ông đồng tình với quan điểm của Phật giáo rằng “đời là bể khổ” - tức là nỗi khổ chính là bản chất của đời sống. Con người phần lớn bị thúc đẩy bởi nỗi đau - như cơn khát hay cơn đói - và cái mà ta gọi là “khoái lạc” thực chất chỉ là sự giải tỏa tạm thời của những trạng thái đó, một sự giải tỏa luôn ngắn ngủi nếu so với nỗi đau đã có trước đó. Ông viết: “Mọi sự hưởng thụ thực ra chỉ mang tính tiêu cực, chỉ có tác dụng xóa bỏ một nỗi đau; trong khi đau đớn hay cái ác… mới chính là yếu tố mang tính tích cực.”

Chính điều này lý giải vì sao ta thường cảm thấy mình luôn trong trạng thái thiếu hụt. Ta giải quyết một nỗi đau này thì lại có nỗi đau khác xuất hiện thay thế. Và sự nhẹ nhõm mà ta đạt được luôn chỉ là tạm thời, vì đau khổ sẽ luôn quay lại. Hơn nữa, chúng ta thường gặp hiện tượng “nâng ngưỡng” - những thứ từng khiến ta vui thích thì nay chỉ còn là điều quen thuộc. 

Tuy nhiên, với Schopenhauer, cội nguồn thật sự của nỗi khổ nơi con người lại nằm ở ý thức về thời gian - điều khiến ta khác với loài vật. Mọi sinh vật sống đều trải qua đau đớn và khoái lạc về thể xác, nhưng vì không có khái niệm về quá khứ hay tương lai, động vật “thoát khỏi mọi lo âu và dằn vặt đi kèm theo nỗi khổ.”

Con người thì hối tiếc về quá khứ không thể thay đổi và hy vọng về tương lai vốn hiếm khi thành hiện thực. Dựa trên luận điểm từng được Jean-Jacques Rousseau đề xuất, Schopenhauer cho rằng ý thức chỉ làm tăng thêm nỗi đau chứ không gia tăng niềm vui. Ngay cả khi ước mơ thành hiện thực, ông lập luận rằng ta cũng không thể giữ được cảm giác hạnh phúc đó lâu dài, và rồi lại tiếc nuối khi nó mất đi. Tình yêu phai nhạt, bạn bè qua đời, thành tựu và tài sản từng mang lại niềm vui cũng trở nên vô nghĩa theo thời gian.

“Thời gian chính là thứ khiến mọi thứ đều trở nên vô nghĩa trong tay ta và mất hết giá trị thật sự.” - ông viết. Hãy thử so sánh thời gian bạn đã dành để hy vọng, mơ mộng về tình yêu, hoặc tiếc nuối khi nó qua đi - điều mà không loài vật nào làm với thời gian bạn thực sự cảm nhận được niềm vui từ nó, và bạn sẽ hiểu ý ông. Ông kết luận: “Đời người chắc chắn là một sai lầm nào đó.” Ý thức của con người giống như chiếc bình bị rò rỉ: luôn cần được đổ đầy nhưng không bao giờ giữ được trọn vẹn.

Theo Schopenhauer, điều duy nhất có thể làm trong tình huống này là giảm bớt khổ đau bằng cách giảm bớt ham muốn, như các nhà khắc kỷ đã từng đề xuất từ hàng thế kỷ trước, dù với lý do khác. Ta càng ít mong muốn, ta càng ít đau khổ khi mất đi hoặc không đạt được. Cuộc đời là địa ngục, nhưng ta có thể xây cho mình “một căn phòng chống lửa” để trú ẩn khỏi sự tra tấn của nó. Ông viết: “Buông bỏ giống như thừa kế một tài sản. Nó giúp người sở hữu được giải thoát khỏi mọi lo âu và dằn vặt.”

Với Nietzsche, tất cả những điều này chẳng khác gì một toa thuốc cho sự thụ động, thậm chí là chủ nghĩa hư vô. Ông thậm chí còn cho rằng chính Schopenhauer và những người theo ông đã góp phần khiến văn hóa Đức cuối thế kỷ 19 trượt dài vào trạng thái tự thương hại và lãng mạn hóa nỗi đau, mà theo ông, được thể hiện rõ nhất trong các vở opera của Wagner.

Nietzsche không phủ nhận rằng cuộc sống con người đầy rẫy đau khổ. Thậm chí, ông còn đồng tình với cách Schopenhauer lý giải nguồn gốc của nó, rằng với ý thức về thời gian, con người phải đối mặt với một thực tại mà trong đó, nỗi đau luôn nhiều hơn niềm vui, điều mà không một tiến bộ khoa học hay công nghệ nào có thể thay đổi.

Nhưng với Nietzsche, “căn phòng chống lửa” mà Schopenhauer khuyên con người nên tìm đến chỉ là một ảo tưởng vô ích. Đó là một cuộc sống không còn ý nghĩa, một kiểu sống phủ nhận bản chất thật sự của con người. Theo ông, điều cần làm không phải là trốn tránh thế giới, mà là tìm cách sống trong đó, thậm chí là tìm được “lòng biết ơn vì được tồn tại”. Và Nietzsche tin rằng vẫn có con đường để đạt được lòng biết ơn ấy, dù cuộc đời đầy rẫy đau khổ. 

Bằng cách nào? Nietzsche tìm cảm hứng từ bi kịch Hy Lạp và những tác phẩm nghệ thuật bi kịch hiện đại, như truyện của Dostoevsky mà ông từng tình cờ phát hiện trong một hiệu sách ở Nice. Ông viết: “Những điều họ phơi bày ra thì xấu xí, nhưng việc họ phơi bày ra lại xuất phát từ niềm vui khi đối mặt với cái xấu xí ấy.” Tại sao chúng ta lại thích xem opera bi kịch? Hay thưởng thức vẻ đẹp dữ dội của một bức tượng Rodin? Hay bị cuốn hút bởi những nhân vật tăm tối trong truyện của Dostoevsky? Chẳng lẽ chúng ta đang tận hưởng nỗi đau của người khác? 

Hoàn toàn không phải vậy. Những tác phẩm nghệ thuật đó dạy chúng ta rằng đau khổ và hạnh phúc không thể tách rời và tính toán như Schopenhauer (hay chủ nghĩa vị lợi) muốn chúng ta tin. Niềm vui và nỗi đau luôn đan xen nhau ở một tầng sâu hơn. Ý nghĩa thật sự chỉ đến từ việc vượt qua nỗi khổ. Ta không thể thật sự hiểu được tình yêu nếu chưa từng cô đơn, không thể cảm nhận cái đẹp nếu chưa từng thấy cái xấu, và cũng không thể có đức tin nếu chưa từng hoài nghi. Và những nỗi đau đó cần được giữ lại trong niềm vui, thì niềm vui mới thực sự có ý nghĩa. 

 

Trong khi Schopenhauer muốn trốn tránh bản chất lệ thuộc vào thời gian của đời sống, Nietzsche lại khuyến khích ta hãy đón nhận “niềm vui của sự trở thành”. 

 

Đau khổ và cái chết là số phận chung của mọi con người, nhưng khác với loài vật, chúng ta có cơ hội biến những trải nghiệm ấy thành điều gì đó mà động vật không bao giờ có thể tạo ra. Nghệ thuật bi kịch có thể cho ta gợi ý về con đường đó, nhưng không cần phải là nghệ sĩ, ta vẫn có thể có những mối quan hệ mang tình yêu thật sự, niềm tin và vẻ đẹp miễn là ta chấp nhận “hợp đồng” này của cuộc sống.

Đau khổ không chỉ là thứ xảy đến với chúng ta, nó gắn chặt với chính bản chất của con người, một sinh thể không ngừng phát triển và thay đổi. Nietzsche viết: “Mọi sự trở thành và lớn lên, mọi thứ đảm bảo cho tương lai, đều đòi hỏi có đau khổ.” Muốn có niềm vui trong tương lai thì phải chấp nhận sự tan vỡ của hiện tại. Nghệ thuật bi kịch dạy ta rằng từ những nỗi đau tồi tệ nhất, vẫn có thể tạo nên điều đẹp đẽ. Nó không xóa bỏ nỗi khổ, nhưng cho ta thấy cách để nỗi khổ trở thành một phần có ý nghĩa trong một tổng thể lớn hơn.

Với Nietzsche, đó mới là sự bi quan thật sự, điều mà Schopenhauer, dù nổi tiếng là người bi quan, vẫn chưa đủ can đảm để đối mặt. Nietzsche gọi đó là “chủ nghĩa bi quan của kẻ tràn đầy năng lượng”. Bi quan vì nó không xem nhẹ nỗi đau kéo dài mà con người luôn phải chịu. Nhưng tràn đầy năng lượng vì nó không đầu hàng trước nỗi đau ấy.

Một nhân vật thể hiện rõ tinh thần “bi quan tràn đầy năng lượng” này, theo Nietzsche, chính là Don Quixote. Trái với hình ảnh lạc quan mà ngày nay ta thường nghĩ về ông, Nietzsche cho rằng Don Quixote là một con người có mục tiêu, đầy nghị lực, sống trong một thế giới tàn nhẫn và bạo lực, vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng của mình bất chấp mọi đau đớn, thất bại và cái chết mà chưa bao giờ tính toán thiệt hơn giữa nỗi đau và niềm vui. Cuốn sách là một chuỗi dài những đau khổ của ông, nhưng Nietzsche tin rằng đó lại là “cuốn sách vui vẻ nhất”, không phải vì nó truyền cảm hứng lạc quan, mà vì nó thể hiện thái độ đúng đắn nhất trước thử thách của cuộc đời. Ông nói rằng người đọc thời Cervantes đã đúng khi xem tác phẩm là một vở hài kịch.

“Họ đã cười,” Nietzsche viết, “cười đến gần chết khi đọc nó.”

- Trạm Đọc 

- Theo Institute of Art and Ideas

Tags: