Kết quả nghiên cứu vô cùng rõ ràng: Càng trải qua nhiều sang chấn thời thơ ấu, người ta càng có nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe ở tuổi trưởng thành. Và nguy cơ mắc bệnh của họ không chỉ tăng vài phần trăm. Những người có điểm ACE cao có nguy cơ mắc bệnh gan cao gấp 3 lần, nguy cơ mắc ung thư hoặc bệnh tim cao gấp đôi, nguy cơ mắc bệnh khí phế thũng cao gấp 4 lần. Họ có nguy cơ nghiện rượu cao gấp 7,5 lần, có nguy cơ mắc trầm cảm cao gấp 4,5 lần và nguy cơ tự tử tăng bất thường gấp tới 12 lần.
Các nhà khoa học hiểu rằng căng thẳng thật sự là chất độc. Các hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline gia tăng với một lượng vừa phải trong cơ thể thì sẽ có ích – thiếu một lượng cortisol phù hợp, buổi sáng bạn còn không thể ngồi dậy. Nhưng với lượng quá lớn, các hormone này sẽ trở nên độc hại và có thể thay đổi cấu trúc não bộ. Căng thẳng và trầm cảm bào mòn cơ thể chúng ta. Sang chấn thời thơ ấu còn ảnh hưởng đến các đầu mút nhiễm sắc thể trong tế bào (telomere) của chúng ta nữa.
Được ví như cái mũ bọc đầu sợi DNA, telomere giúp sợi DNA không bị bung ra. Theo thời gian, các telomere này sẽ ngày càng ngắn đi, tới mức không còn bảo vệ được DNA nữa thì bản thân các DNA cũng bắt đầu bung ra, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh tật khác. Do đó, telomere có liên quan với tuổi thọ của con người. Các nghiên cứu cho thấy, những người trải qua sang chấn thời thơ ấu có các telomere ngắn đi đáng kể.
Cuối cùng, các nghiên cứu này kết luận rằng hễ ai có điểm ACE từ 6 trở lên thì tuổi thọ của họ sẽ bị giảm hai mươi năm. Những người có điểm ACE từ 6 trở lên có tuổi thọ trung bình là sáu mươi tuổi.
Điểm ACE của tôi là 6.
Ở tuổi ba mươi, tôi đã đi được nửa đường đến cái chết.
Tôi bắt đầu thực hiện cuộc nghiên cứu này vào năm 2018. Và quan trọng là vào năm 2020, Robert F. Anda, cộng tác viên chính của nghiên cứu ban đầu về ACE, đã công bố một bài viết và video trên YouTube, khẳng định rằng ACE là một cách đo lường tương đối thô sơ đối với sang chấn thời thơ ấu. Các điểm số này có ý nghĩa đáng kể về mặt dịch tễ học – để mọi người hiểu được tầm quan trọng tổng thể của sang chấn thời thơ ấu đối với sức khỏe cộng đồng. Nhưng Anda nhấn mạnh rằng ACE không phải là chỉ số phù hợp để dự đoán tuổi thọ hay kết quả sức khỏe cá nhân. Có một độ biến thiên rất lớn trong từng điểm số. Ví dụ, một người có điểm ACE là 1 nhưng sự kiện sang chấn xảy ra với mức độ dày đặc sẽ chịu mức tổn thương tương tự như người có điểm số là 6 trải qua nhiều sự kiện sang chấn nhưng chúng xảy ra với tần suất thấp hơn. Rõ ràng, những người có điểm số cao đối mặt với rủi ro thật sự lớn hơn. Nhưng điểm số không phải là các yếu tố quyết định tuyệt đối.
Điểm ACE cũng không tính đến điều kiện sống của đứa trẻ, như có được người lớn chăm sóc trong môi trường an toàn và yêu thương hay không, có được gặp các nhà trị liệu để học cách quản lý tốt căng thẳng hay không. Điểm ACE cũng không tính đến sự khác biệt về mặt giới tính, bởi PTSD có biểu hiện khác nhau ở nam và nữ. Trong bài nghiên cứu của mình, Anda cảnh báo rằng việc sử dụng điểm ACE như một công cụ sàng lọc cá nhân sẽ có nhiều rủi ro, trong đó có thể dẫn đến "tình trạng kỳ thị hoặc phân biệt đối xử..., tạo ra cho thân chủ nỗi lo lắng về chức năng sinh lý chịu ảnh hưởng của căng thẳng độc hại, hoặc xác định sai rủi ro cá nhân".
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng khi đọc thông tin này vào năm 2020. Nhưng vào năm 2018, khi không được giải thích rõ ràng, tôi đã lo lắng và ám ảnh khủng khiếp. Tôi trở nên ám ảnh với cái chết sắp xảy đến với mình, và như bất kỳ ai bị tuyên án tử, tôi trải qua một cơn khủng hoảng hiện sinh nho nhỏ. Tôi cảm thấy vội vã, sợ hãi và tức giận – cuồng nộ mới đúng. Tôi cảm giác nhiều năm tuổi thọ của mình bị đánh cắp, những năm tháng mà đáng lẽ tôi có thể dành để leo núi Machu Picchu, hoặc chăm sóc các cháu nội ngoại, hoặc vẽ hình những chú gà theo phong cách lập thể.
Và không phải chỉ có điểm ACE khiến tôi cảm thấy dường như cơ thể mình chỉ là một khối vụn vỡ và bệnh tật.
Bất cứ nghiên cứu mới nhất nào mà tôi đã đọc về tác động sinh học của sang chấn, bất cứ biểu đồ, đồ thị và sơ đồ nào cho thấy não tôi đã bị tổn thương cũng đều khiến nỗi đau buồn của tôi lớn thêm.
Ảnh chụp quét não cho thấy não bộ của bệnh nhân từng chịu sang chấn thời thơ ấu trông khác với não của những người chưa từng có trải nghiệm tương tự. Não bộ của những người chịu sang chấn thường có hạch hạnh nhân phình to - đây là phần nào có liên quan tới việc sản sinh cảm giác sợ hãi. Nghe rất hợp lý. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó: Với những người bị bạo hành tinh thần, phần não liên quan đến khả năng nhận thức và đánh giá bản thân bị co lại và yếu ớt.
Ở những người phụ nữ bị lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu, vùng vỏ não phụ trách cảm giác thân thể cũng nhỏ hơn – đây là vùng não ghi nhận các cảm giác trên cơ thể chúng ta. Những nạn nhân từng bị quát nạt thường xuyên có thể phản ứng với âm thanh khác với những người khác. Sang chấn có thể dẫn đến việc suy giảm chức năng của những phần não đảm nhiệm việc xử lý ngữ nghĩa, cảm xúc và nhớ lại ký ức, nhận biết cảm xúc của người khác, đồng thời khả năng tập trung và khả năng ngôn ngữ cũng suy giảm. Thiếu ngủ vào ban đêm có thể gây ảnh hưởng đến tính khả biến thần kinh và khả năng tập trung của bộ não đang phát triển, cũng như gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề cảm xúc trong tương lai. Và sự thật đáng sợ nhất, ít nhất đối với tôi, chính là: Việc bị lạm dụng lúc nhỏ thường có mối liên hệ với sự suy giảm độ dày của vỏ não trước trán, đây là phần nào liên quan đến khả năng điều tiết tâm trạng, ra quyết định, suy nghĩ phức tạp và tư duy logic.
Não bộ có cách giải quyết riêng. Có những người không có hạch hạnh nhân và họ không biết sợ hãi là gì. Có những người phần vỏ não trước trán bị teo lại mà vẫn có khả năng tư duy logic tốt. Và các phần khác của não có thể bù đắp, đền bù cho những phần đã mất bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng chung quy lại, khi tôi nhìn vào vô vàn các bằng chứng, những kết quả đều hết sức đau lòng.
Sự thật độ dày vỏ não có liên quan trực tiếp đến chỉ số thông minh (IQ) đặc biệt đáng sợ đối với tôi. Cho dù tôi có không cá tính, không đủ tử tế hay không dễ gần chăng nữa thì tôi vẫn muốn ít ra mình cũng được việc. Thông minh. Thế mà những bài báo này dường như đang cho rằng dù hiện tại tôi thông minh thế nào thì tôi đáng ra còn thông minh hơn nữa nếu tất cả chuyện này không xảy ra. Những câu hỏi lại trồi lên lần nữa: Liệu có phải vì thế mà những đề xuất trước đó của tôi không được cân nhắc? Có phải vì thế mà sếp của tôi không bao giờ tôn trọng tôi? Có phải vì thế mà tôi bị ép làm công việc lặt vặt buồn chán ở hậu trường?
Khi là người chăm sóc cho cha mẹ, tôi đã bị nhiễm ảo giác là mình nắm quyền kiểm soát – tôi tin rằng mình phải cảnh giác cao độ thì mới có thể ngăn chặn mọi thảm họa có thể xảy ra. Nhưng những hệ quả về sức khỏe này chứng minh rằng tôi đã sai. Chính sự cảnh giác đã phá hủy tôi.
Khi tôi còn làm việc cho kênh This American Life, một đồng nghiệp của tôi là David Kestenbaum đã lên sóng chương trình về việc liệu có thật sự tồn tại ý chí tự do. Trong chương trình đó, anh kể về một người bạn của mình đã bị ngã đập đầu khi đang trượt băng và bị mất trí nhớ tạm thời. Khi nằm trên cáng cứu thương, người bạn này hỏi chuyện gì đã xảy ra với mình. Vợ anh ấy đáp: “Anh bị ngã đập đầu”, và anh ấy trả lời: “Đó không phải là cách rời sân băng được yêu thích đâu”. Nhưng chỉ một lát sau, anh ấy quên bằng đi cuộc trao đổi đó. Anh ấy lại hỏi chuyện gì đã xảy ra. Người vợ vẫn cứ kể lại câu chuyện cho anh nghe. Cứ thế lặp đi lặp lại, và anh ấy cũng luôn nói cùng một câu đùa: “Đó không phải là cách rời sân băng được yêu thích đâu”. “Đó không phải là cách rời sân băng được yêu thích đâu.” Đây là triệu chứng phổ biến của mất trí nhớ ngắn hạn. Bệnh nhân liên tục lặp lại các câu chuyện, câu đùa và câu hỏi, ngữ điệu và cách dùng từ không suy suyển, hệt như một cuộn băng ghi âm đang được tua đi tua lại.
Về bản chất, cơ chế hoạt động của não bộ chúng ta tương đối giống nhau: kích thích, phản ứng. Não của chúng ta là những chi tiết cơ học được lập trình theo một cách chuyên biệt đến mức cùng một tác nhân kích thích đưa vào ban se luôn nhận được cùng một phản ứng. Trong chương trình của mình, David nói về việc lý thuyết cơ học lượng tử và xác suất đã minh chứng cho điều này – rằng bộ mạch của chúng ta không có chỗ cho sự ngẫu nhiên, nó không cho ra bất kỳ kết quả nào khác ngoài những gì đã được lập trình. Anh phỏng vấn nhà thần kinh học Robert Sapolsky, tác giả đã viết hẳn một cuốn sách về chủ đề này, tựa đề là Behave (tạm dịch: Hành xử). Sapolsky giải thích cho David về quá trình vận động của cơ bắp: “Khi một cơ thực hiện hành động nào đó, nghĩa là đã có một tế bào thần kinh trong vỏ não vận động ra lệnh cho cơ bắp đó làm vậy. Tế bào thần kinh ấy kích hoạt vì nó nhận được tín hiệu từ vô số tế bào thần kinh khác vài mili giây trước đó. Và những tế bào thần kinh đó cũng kích hoạt vì chúng nhận được tín hiệu vài mili giây trước đó từ những tế bào thần kinh khác, và cứ như vậy. Trong cả quá trình này, đố ta tìm ra được bất kỳ tế bào thần kinh nào ra lệnh cho bất cứ cái gì kích hoạt mà không tuân thủ các quy luật của thế giới vật lý, quy luật của các ion, các kênh dẫn truyền và những thứ tương tự vậy. Đố ta tìm ra được tế bào thần kinh nào có một dạng ý chí tự do cấp độ tế bào đấy. Không có tế bào thần kinh nào như vậy cả”.
Sau khi đọc hết tất cả những bài nghiên cứu về não bộ, tôi nghe lại đoạn podcast của David. Nó có vẻ khớp với những gì tôi đọc trước đó: Não bộ của tôi là một chiếc máy tính vận hành theo lối khả đoán, được lập trình bởi những trải nghiệm thời thơ ấu. Một bộ não không lệch khỏi mã lệnh của nó. Kích thích, rồi phản ứng. Kích thích, rồi phản ứng. Nếu có đầu vào X, thì kết quả sẽ là Y. Luôn là thế.
Với tiền đề này, vấn đề tất nhiên nằm ở chỗ một số trẻ được các lập trình viên bồi dưỡng tâm trí bằng tình yêu thương và lòng tử tế, còn những lập trình viên của tôi lại là người xấu. Mã lệnh của tôi bị lỗi.
Bản năng đầu tiên của tôi là chỉ muốn loại bỏ các lỗi lập trình này. Loại bỏ toàn bộ những lênh xấu ra khỏi hệ thống. Rất nhanh, những kế hoạch cổ điển lại trỗi dậy: khí carbon monoxide và vài viên thuốc ngủ. Nhưng cách đó có những hệ lụy riêng. Những nỗ lực trước đây có thể không chữa lành được tôi, nhưng ít ra chúng đã đan kết tôi với thế giới này, buộc tôi vào mạng lưới cuộc sống bằng cảm xúc và công việc. Tôi có những người bạn quý mến tôi, có những học trò nể trọng tôi. Và cả Joey nữa, tất nhiên rồi. Nếu tôi cắt đứt với mạng lưới này, tôi sẽ để lại một lỗ hổng lớn gây tổn thương tất cả những người xung quanh. Trong khi mục tiêu của cả hành trình này chính là để ngừng làm tổn thương người khác.
Chắc có lẽ tôi đành phải chấp nhận nhiệm vụ bất khả thi này. Chết tiệt, một nhiệm vụ mới khó khăn làm sao: Chiến đấu chống lại chính cái vận mệnh này.
Bài viết được trích lược từ cuốn Nơi vết thương ánh sáng rọi vào - Hành trình chữa lành sang chấn phức tạp của tác giả Stephane Foo do First News chuyển ngữ phát hành tại Việt Nam.