5 câu chuyện giúp bạn hiểu triết học (còn hay hơn cả một số cuốn sách triết học)
5 câu chuyện giúp bạn hiểu triết học (còn hay hơn cả một số cuốn sách triết học)
Triết học là một ngành học mang lại nhiều giá trị. Nhưng việc đọc triết học thì… có thể là một hành trình gian nan đầy rối rắm. Một số tác phẩm của Immanuel Kant có thể dùng làm thuốc chữa mất ngủ, còn văn phong của Georg Hegel thì rối rắm đến mức Bertrand Russell từng cho rằng ông cố tình viết khó hiểu để che giấu sự phi lý trong lập luận của mình.

Nếu bạn muốn khám phá triết học mà không muốn vùi đầu vào những cuốn sách dày cộm và hàn lâm, thì có rất nhiều truyện hư cấu tuyệt vời khai thác các ý tưởng triết học một cách dễ tiếp cận và thú vị. Dưới đây là 5 truyện như vậy, đề cập đến các chủ đề như sự xa lạ, đạo đức học hay bản thể luận. (Cảnh báo: có tiết lộ nội dung.)

 

1/ Những người rời khỏi Omelas (The Ones Who Walk Away from Omelas) - Ursula K. Le Guin (1973)

 

“Cũng như ta sống mà không cần giáo sĩ, thì ta cũng có thể sống mà không cần binh lính. Niềm vui xây trên cái chết của kẻ khác không phải là niềm vui đúng đắn; nó đáng sợ và tầm thường.”
Ursula K. Le Guin là một tiểu thuyết gia người Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm khoa học viễn tưởng và giả tưởng. Bà được biết đến rộng rãi qua loạt truyện “Earthsea” và chuỗi tiểu thuyết “Hainish Cycle”. Các câu chuyện của Le Guin thường đề cập đến những chủ đề sâu sắc như nữ quyền, tôn giáo, triết học chính trị, và xu hướng tính dục. Bà không ngại đưa ra những quan điểm táo bạo: từ một xã hội vô chính phủ kiểu lý tưởng, cho đến xã hội hậu giới tính, và còn là người đồng sáng tạo phong cách "solarpunk". Nếu bạn chưa đọc tác phẩm nào của bà, hãy thử ngay. 

“The Ones Who Walk Away from Omelas” là một truyện ngắn tập trung hoàn toàn vào một vấn đề triết học – cụ thể là một lời phản biện rõ ràng chống lại thuyết vị lợi (utilitarianism).

Câu chuyện bắt đầu ở thành phố Omelas, một nơi tươi đẹp kỳ diệu, vào ngày hạ chí. Đó là ngày lễ hội rộn ràng, nhưng thực ra cũng không khác mấy những ngày khác ở thiên đường hạnh phúc này. Tuy nhiên, bên dưới tất cả sự huy hoàng ấy, Omelas che giấu một bí mật đen tối mà mỗi công dân chỉ được biết khi trưởng thành, và đó cũng là cái giá phải trả để duy trì sự thịnh vượng vô song của thành phố.

Chúng tôi sẽ không tiết lộ bí mật đó ở đây, chỉ xin nói rằng nó liên quan đến nỗi đau đớn tột cùng của một con người vô tội. Phần cuối của truyện đặt ra câu hỏi: sự đánh đổi đó có xứng đáng không? Và tập trung vào những người không thể chấp nhận được điều ấy, chính là “những người đã rời bỏ Omelas”.

Truyện là một phản biện đối với thuyết vị lợi, một học thuyết đạo đức cho rằng nên hành động để mang lại hạnh phúc lớn nhất cho số đông nhất. Theo hình thức cổ điển do Jeremy Bentham đề xuất, mọi niềm vui đều có giá trị ngang nhau (và nỗi đau cũng vậy). Nghe có vẻ hợp lý, nhưng học thuyết này có thể dẫn đến những viễn cảnh gây khó xử: Ví dụ, bạn có sẵn sàng giết một người và lấy nội tạng của họ để cứu sống năm người khác không? Thuyết vị lợi có thể cho rằng bạn nên làm như vậy, vì năm mạng người vẫn "lãi" hơn một. Đơn giản chỉ là toán học.

Còn Omelas thì sao? Người kể chuyện không dám chắc điều đang diễn ra là đạo đức hay không. Họ chỉ mô tả vẻ đẹp kỳ lạ của những người quyết định rời khỏi thành phố. Liệu thiên đường có đáng cái giá đó không? Liệu hạnh phúc của số đông có thể bù đắp cho nỗi đau vô nghĩa của một người? Hãy hỏi những người đã rời đi.

“The Ones Who Walk Away from Omelas” là một truyện ngắn – dù từng được xuất bản như một cuốn sách riêng – bạn hoàn toàn có thể đọc xong trong một buổi tối (và bạn có thể đọc online nữa nếu muốn).

 

2/ Hồng Lâu Mộng - Tào Tuyết Cần (1791)

 

“Thực là hư nếu hư mà thành thực; hư là thực nếu thực cũng hóa hư.”
"Hồng Lâu Mộng" là một tiểu thuyết thế kỷ 18 của Tào Tuyết Cần, được xem là một trong “Tứ đại danh tác” của văn học cổ điển Trung Quốc, bên cạnh “Tây Du Ký”, “Tam Quốc Diễn Nghĩa”“Thủy Hử”.

Với hàng chục nhân vật chính và hàng trăm nhân vật phụ, “Hồng Lâu Mộng” được ca ngợi vì chiều sâu tâm lý của dàn nhân vật và cách họ tương tác tự nhiên với nhau trong thế giới được khắc họa tinh tế.

Bối cảnh của truyện được đặt vào giai đoạn cuối thời Khang Hy - Càn Long, khi nhà Thanh bước vào thời kỳ suy tàn. Câu chuyện mở đầu bằng một hòn đá có linh tính, bị bỏ lại ngoài trời khi không được chọn đưa lên thiên giới. Sau đó, hòn đá được một nhà sư và một đạo sĩ Đạo giáo đưa xuống trần gian để học hỏi về thế giới con người. Cốt truyện chính là cuộc đời của hai dòng họ quý tộc lớn tại kinh thành – đặc biệt là mối tình tay ba giữa Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Bảo Thoa. Dù thường được xem là một tiểu thuyết tình cảm, “Hồng Lâu Mộng” còn là bức tranh tinh tế về cuộc sống xã hội thời Thanh.

Tuy nhiên, điều khiến cuốn tiểu thuyết này trở thành một tác phẩm triết học ngầm, chính là cách nó lồng ghép tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo xuyên suốt trong câu chuyện. Việc mở đầu với một nhà sư và một đạo sĩ không phải ngẫu nhiên. Một trong những chủ đề lớn của truyện là sự suy tàn dần dần của dòng họ quý tộc Giả (賈) – từ đỉnh cao vinh hoa đến cảnh nghèo đói, lụn bại. 

Trong cả Phật giáo và Đạo giáo, hai trong ba tôn giáo lớn của Trung Quốc, người ta đều được khuyên nên buông bỏ dục vọng vật chất. Quan điểm này liên tục xuất hiện trong truyện. Dòng họ Giả (đồng âm với “giả dối”, nhưng lại mang nghĩa “kinh doanh” hay “làm ăn”) là hình ảnh điển hình cho sự đắm chìm trong ham muốn thế tục.

Theo Phật giáo, nguồn gốc của khổ đau nằm ở sự chênh lệch giữa những gì ta có và những gì ta khao khát. “Dục vọng” là gốc rễ của khổ đau, và Bát Chánh Đạo được đặt ra để giúp diệt trừ dục vọng ấy. Trong Đạo giáo, người ta được khuyên sống thuận theo “vô vi” - hành động vô nỗ lực, hài hòa với Đạo - và buông bỏ lòng ham muốn. Dù không đưa ra hệ thống đạo đức rõ ràng như Phật giáo, Đạo giáo vẫn hướng đến sự phản tỉnh và tránh chạy theo của cải, danh vọng.

Nếu như dòng họ Giả biết dừng lại, biết sống theo những lời khuyên ấy – hoặc ít nhất là có nhiều người như vậy hơn – thì có lẽ kết cục đã không bi thảm đến thế. Nhưng cũng có thể, họ chưa bao giờ có cơ hội, vì ngay chính tên triều đại họ đang sống – "Thanh" (清) – lại đồng âm với "Tình" (情), bao gồm: dục vọng, cảm xúc, tình cảm và sự mê luyến.

Đây là một cuốn tiểu thuyết có thể mang đến cho bạn không chỉ một câu chuyện tình bi ai, mà còn là một cuộc hành trình triết học sâu sắc về đời sống, dục vọng, và sự buông bỏ.

 

3/ Solaris - Stanisław Lem (1961)

 

“Nơi không có con người, sẽ không thể có những động cơ mà con người có thể hiểu được.”
Stanisław Lem là một nhà văn người Ba Lan sống vào thế kỷ 20. Vào những năm 1970, ông là một trong những tác giả khoa học viễn tưởng được đọc nhiều nhất trên thế giới nhưng ông cũng dành nhiều thời gian cho các tiểu luận triết học. Các tiểu thuyết của Lem thường lồng ghép các vấn đề triết học sâu sắc, từ bản chất của ý thức, sự giao tiếp, cho đến vị trí của con người trong vũ trụ bao la. Trong số đó, “Solaris” (1961) là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Câu chuyện bắt đầu với một hành tinh kỳ lạ tên Solaris, bề mặt hoàn toàn bị bao phủ bởi một loại plasma sống - một “đại dương” có dấu hiệu của sự sống. Suốt hơn một thế kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn không thể xác định liệu sự sống đó có ý thức hay không, và nếu có, liệu nó có muốn giao tiếp hay không.

Nhân vật chính, Kris Kelvin, là một nhà khoa học mới được cử đến trạm vũ trụ đang quay quanh Solaris. Tại đây, anh phát hiện một đồng nghiệp đã chết, hai người còn lại thì có những hành vi kỳ lạ. Mọi chuyện càng trở nên rối rắm khi một bản sao hoàn hảo của người bạn gái quá cố của Kelvin xuất hiện. Dần dần, Kelvin nhận ra rằng hành tinh Solaris đang "phản hồi" bằng cách tái tạo những hình ảnh trong tiềm thức con người, nhưng liệu đó có phải là giao tiếp thực sự? Và liệu hành tinh này có biết mình đang làm gì không?

Ở cấp độ triết học, “Solaris” không đơn thuần là câu chuyện về việc giao tiếp với người ngoài hành tinh. Nó đi sâu vào một vấn đề nan giải trong triết học: vấn đề về tâm trí khác (the problem of other minds) - làm sao chúng ta biết được người khác (hoặc sinh vật khác) có ý thức thật sự hay không? Đây là câu hỏi mà Descartes đã đặt ra từ thế kỷ 17. Nếu đến con người còn chưa chắc hiểu được nhau có “tâm trí” hay chỉ hành xử như thể có, thì làm sao ta biết được một sinh vật hoàn toàn xa lạ như Solaris có ý thức?

Lem không né tránh câu hỏi này mà đặt thẳng người đọc trước sự bất khả tri: chúng ta không thể biết liệu Solaris có "suy nghĩ", có ý định, hay thậm chí có hiểu bản thân đang làm gì không? Và đó chính là điểm cốt lõi: có những giới hạn mà con người không thể vượt qua, kể cả bằng khoa học, bởi vì điều chúng ta đang đối mặt hoàn toàn nằm ngoài khuôn mẫu tư duy của loài người.

Solaris là một thực thể quá xa lạ, quá không-hề-con-người, đến mức dù là “nhân vật trung tâm” của tiểu thuyết, nó thậm chí không được nhắc đến như một nhân vật trong nhiều bài phê bình sách.

 

4/ Candide: hay, Chủ nghĩa lạc quan (Candide: or, the Optimist) - Voltaire (1759)

 

“Nếu đây là thế giới tốt đẹp nhất có thể, thì những thế giới còn lại sẽ tệ đến mức nào?”
François-Marie Arouet, được biết đến nhiều hơn dưới bút danh Voltaire, là một nhà triết học Pháp thời Khai sáng với sự nghiệp đồ sộ: thư từ, luận văn, kịch bản, tiểu thuyết... và “Candide: or, the Optimist” chắc chắn là một trong những tác phẩm hài hước nhất của ông. Nếu bạn tưởng tượng triết học được viết bởi Monty Python nhưng là phiên bản Pháp ở thế kỷ 18, thì bạn sẽ hình dung ra được phong cách của Voltaire.

Câu chuyện theo chân Candide, con ngoài giá thú của một nam tước người Đức - ngờ nghệch và đơn giản như gương mặt của mình. Trong lâu đài của cha cậu có một giáo sư dạy môn “siêu hình-thần học-vũ trụ linh tinh học” - một sự nhại lại thuyết lạc quan của Leibniz, người cho rằng thế giới mà ta đang sống chính là “thế giới tốt nhất trong mọi thế giới có thể tồn tại.”

Phần còn lại của cuốn tiểu thuyết là hành trình đen đủi kéo dài vô tận mà Candide và những người đồng hành phải trải qua - những chuỗi sự kiện như đang chứng minh ngược lại với giáo sư kia. Từ bị bắt bởi Tòa án Dị giáo Bồ Đào Nha, đến nô lệ, chiến tranh, dịch bệnh, động đất, bị trục xuất ở Nam Mỹ, ghé thăm nước Anh, và vô vàn bi kịch khác. Cuối cùng, Candide chẳng còn tin vào bất kỳ triết lý nào mà chỉ còn mong muốn “cày ruộng trồng rau” cho yên thân.

Về mặt triết học, Candide là một lời mỉa mai châm biếm thẳng thừng vào thuyết lạc quan của Leibniz - một học giả lỗi lạc người Đức thế kỷ 17 - lập luận rằng nếu Chúa là toàn năng, toàn tri và toàn thiện, thì hẳn Ngài đã tạo ra thế giới tốt nhất có thể. Vì nếu còn có một thế giới tốt hơn, thì Ngài đã biết và đã chọn nó rồi.

Voltaire coi đây là một sự ngây thơ đến tàn nhẫn, vì nó đánh đồng mọi khổ đau - kể cả những thảm họa như trận động đất ở Lisbon năm 1755 giết chết 50.000 người - là “đã nhẹ nhất có thể rồi, còn đòi gì nữa.” Trong truyện, Voltaire không chỉ gián tiếp phản bác mà còn chỉ đích danh triết lý của Leibniz để chế giễu, coi đó là điều phi lý.

Cuối cùng, thay vì tiếp tục lý luận hay phản kháng, nhân vật chính chọn cách lặng lẽ sống một cuộc đời giản dị: “hãy chăm sóc khu vườn của mình” - một lời kêu gọi thực tế, mang hơi hướng hiện sinh: khi lý trí không còn cứu rỗi được thế giới, ta nên quay về với những gì ta có thể kiểm soát.

 

5/ Vụ án (The Trial) - Franz Kafka (1925)

 

“Chắc hẳn có ai đó đã vu khống Joseph K., vì anh bị bắt vào một buổi sáng đẹp trời mà chẳng hề làm điều gì sai. Cô đầu bếp nhà trọ – người vẫn mang bữa sáng cho anh đúng tám giờ – hôm ấy cũng không thấy đâu. Điều đó chưa từng xảy ra trước đây.”

Franz Kafka là một nhà văn gốc Do Thái, sống ở Praha vào đầu thế kỷ 20, khi nơi đây vẫn thuộc Đế quốc Áo-Hung. Ban ngày làm những công việc hành chính tẻ nhạt, ban đêm ông viết tiểu thuyết và truyện ngắn như một cách để thoát khỏi thực tại. Các tác phẩm của Kafka luôn xoay quanh những chủ đề như sự tha hóa, phi lý, tội lỗi, và đặc biệt là cái điên rồ của bộ máy hành chính hiện đại. Dù bài viết này tập trung vào “Vụ Án”, những ý tưởng tương tự cũng lặp lại trong toàn bộ sự nghiệp của ông.

Nhân vật chính Joseph K. bị bắt vào một buổi sáng mà không có lý do rõ ràng, cũng không ai nói cho anh biết anh phạm tội gì. Từ đó, anh rơi vào một mê cung pháp lý điên loạn: luật lệ mơ hồ, phiên tòa được triệu tập mà không có thời gian hay địa điểm cụ thể, và bất kỳ điều gì anh làm cũng có thể bị quy chụp là sai. Cuộc sống của anh từ công việc, gia đình đến chuyện tình cảm đều bị bóp méo bởi vụ án vô hình này. Trong khi đó, thế giới xung quanh vẫn tiếp tục quay một cách lạnh lùng và vô cảm.

Tác phẩm của Kafka từ lâu đã trở thành kho báu cho giới triết gia, đặc biệt là sau Thế chiến thứ hai. Simone de Beauvoir từng nhắc đến ông trong “Giới tính thứ hai”. Các nhà Marxist, nhất là trường phái Nhân bản Marx (Marxist Humanism), rất quan tâm đến cách Kafka miêu tả sự tha hóa (alienation) của con người.

Theo Marx, chủ nghĩa tư bản khiến con người bị xa rời bản chất nhân tính: công việc trở nên máy móc, nhàm chán và nằm ngoài quyền kiểm soát sáng tạo của người lao động. Lao động trở thành hàng hóa, con người phải cạnh tranh nhau tạo ra một xã hội mà người ta tách biệt nhau và với chính bản thân mình.

Kafka cũng mô tả điều tương tự, nhưng theo cách mê hoặc và ám ảnh hơn. Trong “Vụ Án”, Joseph K. không còn là con người, mà chỉ là một “mục” trong một hệ thống mù mờ: anh bị xét xử bởi một quyền lực không tên, không mặt, không giải thích, không công lý. Kết quả là gì? Anh bị mất quyền làm chủ cuộc đời mình, trở nên lạc lõng, vô định, và bị nghiền nát từng chút một - không khác gì công nhân bị cuốn vào guồng quay của một nền kinh tế vô cảm.

Khác với Marx phân tích sự tha hóa, Kafka khiến bạn trực tiếp cảm nhận nó. Khi đọc “Vụ Án”, bạn không chỉ hiểu lý thuyết mà còn trải nghiệm sự ngột ngạt, hoang mang và bất lực của một con người bị nhấn chìm trong hệ thống vô hồn.

- Trạm Đọc

- Theo Big Think

Tags: