[ Trích NƠI VẾT THƯƠNG ÁNH SÁNG RỌI VÀO] EMDR: Liệu pháp lạ đời giúp viết lại ký ức và chữa lành tổn thương
[ Trích NƠI VẾT THƯƠNG ÁNH SÁNG RỌI VÀO] EMDR: Liệu pháp lạ đời giúp viết lại ký ức và chữa lành tổn thương
Bài viết được trích lược từ cuốn Nơi vết thương ánh sáng rọi vào - Hành trình chữa lành sang chấn phức tạp của tác giả Stephane Foo do First News chuyển ngữ phát hành tại Việt Nam.
Nơi Vết Thương Ánh Sáng Rọi Vào
(2 lượt)
Trong cuốn The Body Keeps the Score, tác giả Bessel van der Kolk viết về một dạng trị liệu có tên là EMDR hay giải mẫn cảm và tái xử lý thông tin thông qua chuyển động mắt. Phương pháp trị liệu này có vẻ khá lạ lùng và giống với thuật thôi miên, khi bệnh nhân ghé thăm lại các tổn thương quá khứ trong khi cử động mắt qua lại từ trái sang phải. Nghe có vẻ đơn giản tới mức ngớ ngẩn, nhưng Bessel van der Kolk lại hết lòng ca ngợi phương pháp này. Ông kể về một bệnh nhân của mình, sau buổi trị liệu bốn mươi lăm phút, đã nhìn ông và nói rằng anh ta “không thoải mái khi làm việc với tôi và sẽ không giới thiệu thêm bệnh nhân nào cho tôi nữa. Tuy vậy, anh ta nhận xét là buổi trị liệu EMDR đó đã giúp anh giải quyết được vấn đề từng bị cha bạo hành”. Giải quyết được! Van der Kolk cho biết đây là phương pháp trị liệu có hiệu quả "ngay cả khi không tồn tại quan hệ tin tưởng giữa nhà trị liệu và bệnh nhân". Nhưng lại một lần nữa, theo như van der Kolk tiết lộ, EMDR có hiệu quả hơn hết đối với những tổn thương xảy ra ở độ tuổi trưởng thành, còn đối với tổn thương thời thơ ấu thì tỷ lệ thành công chỉ là 9%. Nhưng đến lúc này thì 9% vẫn hơn là không có gì. 9% đó chính là ánh đèn mà tôi cùng đường tới mức không thể nào bỏ qua.

 

EMDR: Từ khám phá tình cờ đến phương pháp khoa học

 

Tôi tìm được đúng một nhà trị liệu theo phương pháp EMDR ở Thành phố New York chịu chấp nhận bảo hiểm [...] Trong buổi đầu, Eleanor ngoáy mấy dòng ghi chú khi tôi kể ngắn gọn và sơ qua về cuộc đời mình. “Ôi”, bà ấy lắc đầu nói, “cô đã trải qua khối chuyện rồi mà vẫn kiên cường đến vậy. Cô thật là đáng nể đó”. Tôi thích giọng điệu của bà, khi bà không tỏ ra thương hại, mà thật sự nhìn nhận mức độ nghiêm trọng của những gì tôi đã trải qua. Tôi nhắm mình có thể làm việc với nhà trị liệu này. Sau đó, bà cung cấp cho tôi các thông tin cơ bản.

EMDR là do nhà tâm lý học Francine Shapiro phát triển vào năm 1987. Một lần đang đi bộ trong rừng, Francine nhận ra những suy nghĩ khó chịu của bà sẽ biến mất khi mắt bà cử động qua lại để quan sát con đường xung quanh. Sau đó, bà đã thực hiện những nghiên cứu về hiện tượng đưa ngón tay qua lại từ trái sang phải trước mặt bệnh nhân để họ nhìn theo, trong khi gợi nhắc họ hồi tưởng những trải nghiệm ám ảnh nhất. Kết quả đánh giá của bà cho thấy những bệnh nhân được điều trị với phương pháp EMDR “giảm đáng kể mức độ lo lắng và tăng đáng kể niềm tin tích cực”.

EMDR được gọi là một “liệu pháp xử lý”, và các chuyên gia trong cộng đồng EMDR nhấn mạnh rằng liệu pháp xử lý không giống với liệu pháp trò chuyện. Liệu pháp trò chuyện cho bệnh nhân kiến thức để hiểu nguyên nhân tình trạng của mình, nhưng chỉ kiến thức thôi thì chưa đủ. Còn liệu pháp xử lý giúp ta thật sự đối mặt với những tổn thương và giải quyết chúng – viết lại những ký ức trong não bộ của chúng ta bằng một lối trần thuật lành mạnh hơn. Tôi thấy chuyện này quá trừu tượng và tôi cũng không thật sự hiểu nó. Nhưng mà nghe thì hay đấy.

Không ai biết chính xác tại sao EMDR lại có tác dụng, vì vậy nó dễ bị đánh giá thấp. Một giả thuyết cho rằng EMDR mô phỏng cách não bộ xử lý ký ức trong giấc ngủ REM.

Một nghiên cứu khác cho rằng việc cử động mắt xả sạch bộ nhớ ngắn hạn, làm dịu đi những cảm giác đau đớn của những trải nghiệm quá khứ và khiến cho người ta dễ dàng nhìn lại chúng hơn, với cái nhìn rõ ràng, sáng suốt. Không biết các giả thuyết này đúng hay sai, nhưng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy trên thực tế, phương pháp lạ đời này có hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc giúp bệnh nhân phục hồi sau sang chấn tâm lý.

Trong nhiều năm kể từ khi Shapiro tìm ra phương pháp EMDR, công nghệ đã có những phát triển vượt bậc. Giờ chúng ta đã có thiết bị đèn dùng cho EMDR, thứ có vẻ ngoài giống như đèn LED quảng cáo bia ở mấy tiệm tạp hóa với luồng ánh sáng chạy qua chạy lại không ngừng. Còn với những người muốn được nhắm mắt trong suốt quá trình trị liệu như tôi thì hiện nay đã có những bộ thiết bị bao gồm hai máy rung dạng viên để cầm trong tay và tai nghe để phát âm thanh lần lượt từ tai nọ sang tai kia.

 

Trải nghiệm trực tiếp buổi trị liệu EMDR

 

Trong văn phòng ở Manhattan, Eleanor đưa tôi thiết bị rung và tai nghe EMDR. Nó sẽ phát ra âm thanh ở bên tai trái của tôi, đồng thời thiết bị trong bàn tay trái của tôi sẽ rung lên, sau đó phát ra âm thanh bên tai phải và thiết bị rung lên trong tay phải. Bà ấy nhấn mạnh rằng đây không phải là thôi miên. Tôi sẽ vẫn hoàn toàn làm chủ được cơ thể mình và có thể dừng lại hay thay đổi bất cứ khi nào tôi muốn. Sau đó, bà ấy lấy ra một danh sách các câu hỏi rồi hỏi lần lượt từng câu, và ghi lại từng câu trả lời của tôi bằng cây bút chì đã mòn.

Cô đã bao giờ nhận ra mình đang ở một nơi mà không nhớ mình đã tới đó bằng cách nào chưa?"

"Chưa”, tôi trả lời.

"Cô đã bao giờ thấy mình mặc quần áo mà không nhớ đã mặc nó thế nào chưa?"

"Chưa."

Cô đã bao giờ cảm thấy có thể nhìn chính mình từ phía xa, giống như cô đang xem một bộ phim về cuộc đời mình chưa?"

Tôi biết Eleanor đang cố làm gì. Bà ấy đang đo lường mức độ phân ly của tôi. Khi mới được chẩn đoán mắc C-PTSD, dù có nhiều triệu chứng ứng với tôi như trầm cảm, thái độ hung hăng, vân vân, nhưng tôi thấy nhẹ hết cả người vì có vài triệu chứng mình không có. Chủ yếu là những triệu chứng của sự phân ly. Tôi có đọc được là “phân ly thường đi kèm với C-PTSD, trạng thái phân ly có các biểu hiện như hay hồi tưởng, trải nghiệm ngoài thân thể, như cái xác không hồn, mất trí nhớ và nhiều lúc mất nhận thức về thời gian”. Chắc chắn là tôi có hơi ít quan sát xung quanh, rất hay bị vấp vào mép thảm, nhưng nếu nói là “phân ly” thì hơi quá.

 [...] Sau một vài câu hỏi, tôi ngắt lời Eleanor: "Nghe này, rõ ràng là tôi có đầy rẫy các vấn đề khác nhau, nhưng tôi không nghĩ là mình bị phân ly".

Bà ấy kiên nhẫn gật đầu nhưng vẫn tiếp tục cho tới khi kết thúc bảng câu hỏi. Tôi thẳng thừng trả lời “không” với từng câu.

Sau đó, Eleanor nói chúng tôi phải xác định đúng ký ức để tập trung vào khi dùng liệu pháp EMDR. Đó phải là một tổn thương xảy ra sớm trong đời mà tôi cảm thấy cần phải xử lý. Tôi có nghĩ ra điều gì không?

Tôi lật qua các thẻ trong hộp ghi chú trong đầu rồi nói: “Ừm, thật ra có khá nhiều đấy. Ví dụ, có một sự việc liên quan tới gậy đánh gôn...". Sau đó, tôi miêu tả chi tiết sự việc bạo lực đó.

[...] Eleanor lại nhìn với vẻ ngờ vực rồi nhẹ nhàng nói: “Tôi nghĩ là nói về tổn thương xuất hiện càng sớm thì tốt hơn. Vì những nỗi đau ban đầu thì có tác động đến sự phát triển nhân cách hơn. Nhưng trị liệu theo hướng nào là do cô quyết định. Bất kể là hướng nào, miễn cô cho là tốt nhất. Khi cô nghĩ về khoảnh khắc lần đầu bị bỏ rơi – lần đầu mẹ bỏ rơi cô – trên thang điểm từ một tới mười...” [...] "Tuần này, cô hãy suy nghĩ về việc đó đi. Những ký ức nào thật sự khiến cô khó chịu khi nghĩ đến? Nếu cô tìm ra một chuyện mà cô thật sự muốn xử lý thì ta có thể dành cả buổi sau dùng máy rung để làm việc đó.

Theo những gì tôi tìm hiểu được sau đó về EMDR và trị liệu, tôi biết được bạn có thể dùng EMDR bắt đầu từ bất cứ khoảnh khắc nào cũng được, bạn có thể xử lý bất kỳ ký ức nào bạn muốn hiểu rõ hơn, kể cả những ký ức gần đây. Không nhất thiết phải tìm ra ký ức đau thương nhất mà bạn có thể nạo vét được. Thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng trị liệu C-PTSD mà bắt đầu bằng cách lôi ra mảnh xương ký ức đáng sợ nhất và chôn sâu nhất trong tâm hồn là một ý tồi. Bạn có thể tìm thấy gã hề sát nhân nấp dưới cống cuộc đời bạn và hắn sẽ bắt đầu ám ảnh bạn mỗi ngày trong đời. Có thể ký ức mà bạn đào lên tồi tệ tới mức làm các triệu chứng nghiêm trọng hơn, hay khó chịu tới mức khiến bạn quyết định bỏ trị liệu và không bao giờ trở lại nữa. Đó là lý do tại sao các nhà trị liệu sang chấn cố xây dựng nền tảng vững chắc cho các cơ chế đối phó căng thẳng trước khi cho bệnh nhân đối mặt với những tổn thương sâu sắc nhất của họ. Để khi bạn bắt gặp gã hề Pennywise ma quái đó trong căn hầm tiềm thức của mình, bạn có thể dùng những kỹ thuật đã luyện tập để xử lý hắn.

Nhưng hồi bắt đầu trị liệu với Eleanor thì tôi không biết việc đó. Hồi ấy, khi bước ra khỏi văn phòng của bà và đi vào dòng người mặc vest Brooks Brothers, tôi nghĩ, làm thế nào để tìm ra thứ đó đây? Tôi nghĩ mấy cơn hoảng loạn ở chỗ làm đã khá là khó chịu rồi. Chắc lần bị bạn thân nghỉ chơi hồi năm ngoái cũng thế. Nhưng những tổn thương thời thơ ấu thì quá quen thuộc. Chắc vẫn còn một vài khoảnh khắc bạo hành ít được nhắc đến vẫn nằm ở xó nào đó trong hộp sọ, trong góc khuất lịch sử sang chấn của tôi. Có lẽ chúng đích thị là thương tổn [...]

Bài viết được trích lược từ cuốn Nơi vết thương ánh sáng rọi vào - Hành trình chữa lành sang chấn phức tạp của tác giả Stephanie Foo do First News chuyển ngữ phát hành tại Việt Nam.